Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/8/2023, trong đó TPHCM được giao nhiều thẩm quyền về thực hiện chính sách tiền lương.
Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền Thành phố và thành phố Thủ Đức.
Trong đó thành phố được giao nhiều thẩm quyền về thực hiện chính sách tiền lương.
Thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương
Cụ thể tại khoản 3, Điều 5 về tài chính, ngân sách nhà nước, Nghị quyết quy định: Thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.
Sau khi ngân sách Thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, Hội đồng nhân dân Thành phố được quyết định: Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách, chi thu nhập tăng thêm trên cơ sở tuân thủ quy định tại điểm b khoản 5 Điều 9 của Nghị quyết này;
Tỷ lệ trích nguồn thu được để lại để tạo nguồn cải cách tiền lương đối với các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý có số thu lớn cho phù hợp; bảo đảm nguyên tắc để các cơ quan, đơn vị này tự sắp xếp bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình do cơ quan có thẩm quyền quyết định; ngân sách nhà nước không bổ sung để thực hiện cải cách tiền lương cho các cơ quan, đơn vị này;
Cho phép các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để tăng chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức, đơn vị, chi thu nhập tăng thêm trên cơ sở tuân thủ quy định tại điểm b khoản 5 Điều 9 của Nghị quyết này.
HĐND TPHCM quyết định tiền lương, tiền công đối với lãnh đạo tổ chức KHCN công lập
Điểm c, khoản 1, Điều 8 về quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo quy định: "Trong thời gian thực hiện Nghị quyết này, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố được miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 05 năm đối với thu nhập từ lương, tiền công".
Khoản 2, Điều 8 quy định: Hội đồng nhân dân Thành phố quy định các nội dung sau đây: Tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập được xác định trên cơ sở trình độ, năng lực và yêu cầu công việc; Thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Tiêu chí, đối tượng, điều kiện được hưởng ưu đãi tại điểm a và điểm b khoản này.
Chi thu nhập tăng thêm không vượt quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ
Điểm c, khoản 5, Điều 9 về tổ chức bộ máy chính quyền thành phố quy định, HĐND thành phố có thẩm quyền: "Quyết định bố trí ngân sách Thành phố để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại xã, phường, thị trấn, người lao động thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, một số hội có tính chất đặc thù và một số cơ quan trung ương trên địa bàn Thành phố, theo hiệu quả công việc ngoài việc thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm không vượt quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và chi thu nhập tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý"
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023. Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành./.
Tăng tiền lương đóng BHXH trong doanh nghiệp từ 1/7/2025?
Hà Nội dành 3,4 nghìn tỷ từ tiết kiệm chi thường xuyên để cải cách tiền lương