Một vị trí trong doanh nghiệp nhà nước được đề xuất hưởng mức lương 320 triệu đồng/tháng
Nội dung này được đề cập trong một Dự thảo Nghị định liên quan đến tiền lương, thù lao, tiền thưởng do Bộ Nội vụ xây dựng.
Bộ Nội vụ đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước và kiểm soát viên trong doanh nghiệp nhà nước. Đối tượng áp dụng là người làm việc tại doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, cũng như tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn nhà nước chiếm từ trên 50% đến dưới 100%.
Theo dự thảo, mức lương cơ bản sẽ được xác định dựa trên quy mô doanh nghiệp và phân thành hai nhóm chính tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp độc lập, với hệ thống 7 bậc lương cụ thể.
Mức lương cơ bản cao nhất dành cho chức danh Chủ tịch có thể đạt tới 80 triệu đồng/tháng, trong khi kiểm soát viên tại doanh nghiệp nhỏ có thể nhận mức thấp nhất là 30 triệu đồng/tháng. Từ mức lương cơ bản, thu nhập thực nhận của người lao động có thể được điều chỉnh tăng theo hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Nếu doanh nghiệp đạt chỉ tiêu lợi nhuận theo kế hoạch, người lao động có thể được hưởng lương gấp đôi mức cơ bản, tương đương tối đa 160 triệu đồng mỗi tháng. Trường hợp doanh nghiệp vượt kế hoạch lợi nhuận từ 2 đến 4 lần, mức lương cũng sẽ được tăng tương ứng: gấp 2,5 lần (tối đa 200 triệu đồng với lợi nhuận đạt 11.000 tỷ đồng), gấp 3 lần (tối đa 240 triệu đồng với lợi nhuận 16.500 tỷ đồng) và gấp 4 lần (tối đa 320 triệu đồng nếu lợi nhuận đạt 27.500 tỷ đồng).
Ngược lại, nếu doanh nghiệp không đạt lợi nhuận hoặc kinh doanh thua lỗ, mức lương sẽ bị điều chỉnh giảm xuống, dao động từ 50% đến 80% so với mức cơ bản.
Theo Bộ Nội vụ, đề xuất này xuất phát từ thực tế mức lương hiện hành của một số doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn đã lên tới 200 - 210 triệu đồng/tháng đối với các vị trí lãnh đạo. Đặc biệt, trong lĩnh vực ngân hàng, có Chủ tịch nhận tới 300 triệu đồng/tháng, và mức lương trung bình của thành viên Hội đồng quản trị, kiểm soát viên lên đến 213 triệu đồng/tháng.
Dự thảo lần này nhằm đặt ra một khung lương chính thức, góp phần điều chỉnh, chuẩn hóa theo quy định của Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp năm 2025. Việc xây dựng chế độ trả lương theo hiệu quả và năng lực thực tế được kỳ vọng sẽ thay thế cách thức “đồng đều, cào bằng” trước đây, đồng thời tạo động lực thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn. Ngoài ra, dự thảo cũng nêu rõ yêu cầu người nhận lương cao phải gắn trách nhiệm cá nhân với kết quả và rủi ro trong hoạt động của doanh nghiệp.
>> Tới đây, cán bộ, công chức có thể được nhận thêm một khoản tiền nữa nếu đáp ứng đủ điều kiện
Quy định mới về tiền lương, bảo hiểm y tế từ tháng 6
Ước mơ và thực tế phũ phàng: 'Tiền lương không tăng nhưng giá nhà tăng liên tục'