Tham vọng vượt mặt SpaceX của Elon Musk, công ty Trung Quốc đặt mục tiêu chế tạo tên lửa lớn nhất thế giới: Cao tới 126m, có khả năng mang 100 tấn tải trọng lên quỹ đạo
Nếu dự án thành công, Cosmoleap sẽ trở thành một đối thủ đáng gờm trong cuộc đua công nghệ vũ trụ toàn cầu.
Thành lập vào tháng 3/2024, công ty khởi nghiệp về hàng không vũ trụ Cosmoleap của Trung Quốc đang thu hút sự chú ý của giới công nghệ toàn cầu với kế hoạch phát triển tên lửa tái sử dụng Yueqian, được đánh giá có nhiều nét tương đồng với Starship của SpaceX.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Cosmoleap đã huy động thành công hơn 14 triệu USD từ các quỹ đầu tư lớn như Shenergy Chengyi, Tiangchuang Capital, Legend Capital, cùng nhiều nhà đầu tư mạo hiểm khác để theo đuổi tham vọng này.
Cosmoleap cho biết họ đang tập trung phát triển Yueqian để hỗ trợ dự án xây dựng mạng Internet vệ tinh, tương tự như mục tiêu Starlink của SpaceX. Theo các hình ảnh mô phỏng, Yueqian có thiết kế và cơ chế hoạt động rất giống với Starship, đặc biệt là ở hệ thống thu hồi tầng đầu tiên.
Ngoài ra, Yueqian cũng sử dụng cặp “đũa máy” để bắt và giữ tầng đẩy khi hạ xuống, giống như cách SpaceX sử dụng tháp phóng để thu hồi tầng đầu tiên của tên lửa Super Heavy.
Dự kiến tên lửa Yueqian sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên vào năm 2025 hoặc 2026. Tuy nhiên, không như Starship - được thiết kế để phục vụ cho các chuyến bay liên hành tinh - tên lửa của Cosmoleap tập trung vào các nhiệm vụ gần hơn và ít phức tạp hơn, cụ thể là triển khai các vệ tinh cho mạng Internet không gian.
Tên lửa sở hữu chiều cao 75m (so với 121m của Starship) cùng khả năng chở tải trọng tối đa 10.460kg lên quỹ đạo thấp của Trái Đất. Nếu tầng đầu tiên được thu hồi, tải trọng này sẽ giảm xuống còn 6.280kg.
Đối với một công ty mới tham gia vào lĩnh vực hàng không vũ trụ như Cosmoleap, đây là một kế hoạch khá tham vọng, nhất là khi họ chưa từng có kinh nghiệm thực tế trong việc phóng tên lửa lên quỹ đạo.
Tuy nhiên, không dừng lại ở Yueqian, startup này còn đặt ra một mục tiêu đầy táo bạo là chế tạo một tên lửa lớn hơn cả Starship, với chiều cao 126m và khả năng mang 100 tấn tải trọng lên quỹ đạo thấp.
Dựa trên kế hoạch, tên lửa này sẽ được thử nghiệm phóng lần đầu vào năm 2030. Nếu thành công, đây sẽ là tên lửa lớn nhất thế giới, một thành tựu không nhỏ đối với một công ty non trẻ như Cosmoleap.
Mặc dù có nhiều ý kiến nghi ngờ về tính khả thi của Cosmoleap, đặc biệt khi so sánh với các công ty hàng không vũ trụ tư nhân lớn khác ở Trung Quốc, công ty vẫn chứng minh được sức hút của mình với giới đầu tư nhờ vào tiềm năng và sự sáng tạo trong cách tiếp cận.
Chuyên gia đánh giá, nếu Cosmoleap có thể thực hiện thành công các kế hoạch đầy tham vọng này, họ sẽ trở thành một đối thủ đáng gờm trong cuộc đua công nghệ vũ trụ toàn cầu, đồng thời góp phần đưa Trung Quốc tiến gần hơn tới vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.
Tổng hợp
>> Triều Tiên tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa mới