Thần chú để Trương Mỹ Lan biến ra chiếc ví thần SCB rồi bòn rút hơn 1 triệu tỷ

23-11-2023 07:49|Mai Chi

Người phụ nữ xuất thân từ tiểu thương chợ Bến thành đã tạo ra một hệ sinh thái cực khủng và mấu chốt nhất là biến SCB thành nguồn bơm tiền dồi dào cho cả bộ máy.

Tại Cơ quan điều tra, bị can Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát khai nhận trước năm 2011, Lan đã sở hữu, chi phối phần lớn cổ phần của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB cũ), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank). Và thủ đoạn người phụ nữ này chính là tìm cách sáp nhập 3 ngân hàng đang mất khả năng thanh toán thành một ngân hàng mới mà Trương Mỹ Lan có toàn quyền định đoạt.

Trương Mỹ Lan người đứng sau một tiền lệ chưa từng có trong ngành ngân hàng

Để sáp nhập thành công ba ngân hàng gồm cả Ngân hàng Đệ Nhất (Ficombank), thì bà Lan phải sở hữu ít nhất 65% cổ phần trở lên để thông qua bỏ phiếu mới quyết định được việc hợp nhất ba ngân hàng, các cổ đông khác không chống đối được việc hợp nhất.

Trong khi đó, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, một cá nhân không được sở hữu quá 5% cổ phần của 1 ngân hàng nên Trương Mỹ Lan chỉ có thể đứng tên sở hữu gần 5% cổ phần, số còn lại phải nhờ những cá nhân, pháp nhân đứng tên cổ phần giúp mình, trong đó có cả những pháp nhân người nước ngoài như Nhật Bản, Singapore.

>> Vì sao 2 cựu lãnh đạo người nước ngoài của SCB bị truy nã nhưng không có tên trong 86 người bị truy tố?

Thực hiện mưu đồ này, bị can Trương Mỹ Lan đã thu gom mua cổ phần Ngân hàng Đệ Nhất và nhờ thân tín của mình đứng tên. Đến cuối năm 2011, thời điểm trước khi hợp nhất Trương Mỹ Lan đã sở hữu/chi phối 80,46% cổ phần Ngân hàng Đệ Nhất; 98,74% cổ phần Ngân hàng Tín Nghĩa; 81,43 % cổ phần Ngân hàng Sài Gòn (cũ).

Tới ngày 01/01/2012, khi 3 ngân hàng hợp nhất thành Ngân hàng SCB với vốn điều lệ hơn 10.000 tỷ đồng, tổng tài sản là 150.000 tỷ đồng, và có hơn 200 chi nhánh, phòng giao dịch... Đây là trường hợp đầu tiên ba ngân hàng đã tự nguyện sáp nhập với nhau thành công và từ đó trở thành ngân hàng tư nhân nằm trong top các ngân hàng có quy mô lớn nhất. Và tính đến nay SCB vẫn là một trong số ít các ngân hàng tư nhân chưa niêm yết.

Báo cáo thường niên năm 2020 của SCB cho biết cuối năm này quy mô tài sản đạt 633.797 tỉ đồng - là ngân hàng thương mại tư nhân có tổng tài sản lớn nhất hệ thống.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2-2022 (báo cáo gần nhất SCB công bố trước khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt) ghi nhận hết tháng 6-2022, tổng tài sản đạt hơn 761.000 tỉ đồng.

Với tổng tài sản nêu trên, thời điểm giữa năm 2022, SCB vẫn nằm trong top 5 ngân hàng lớn nhất, sau BIDV, Agribank, Vietinbank và Vietcombank. Tuy nhiên lãi sau thuế SCB chỉ loanh quanh vài chục tỉ đồng hoặc hơn mức 100 tỉ, trừ năm 2021 đột biến.

Thần chú để Trương Mỹ Lan biến ra chiếc ví thần SCB rồi bòn rút hơn 1 triệu tỷ
Tỉ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của SCB rất thấp so với bình quân toàn ngành

"Họ từng là đơn vị huy động tiền gửi lãi suất rất cao để cạnh tranh, đem tiền đó cho vay trong hệ sinh thái với lãi suất thấp", một chuyên gia chỉ ra vấn đề trong câu chuyện lợi nhuận của SCB.

Nắm toàn quyền chi phối tại SCB, Trương Mỹ Lan mặc sức rút số tiền lên đến hơn 1 triệu tỷ

Trương Mỹ Lan thông qua 74 pháp nhân, cá nhân đã sở hữu/chi phối 85.606% cổ phần Ngân hàng SCB, đồng thời là người nắm toàn bộ quyền lực, chi phối được SCB sau khi hợp nhất.

Thâu tóm thành công SCB, Trương Mỹ Lan chọn nhân viên làm trong Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc người có chuyên môn về tài chính đảm nhận các vị trí chủ chốt tại SCB.

Trong đó, phải có sự đồng ý của Lan, các Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB qua các thời kỳ như Nguyễn Thị Thu Sương, Đinh Văn Thành và Bùi Anh Dũng mới được bổ nhiệm. Không chỉ thế, các vị trí khác trong ban lãnh đạo đều phải có sự chỉ đạo từ Trương Mỹ Lan. Những người được chọn theo như khai nhận của bị can đều hiền lành, dễ sai phái.

Thần chú để Trương Mỹ Lan biến ra chiếc ví thần SCB rồi bòn rút hơn 1 triệu tỷ

>> Hơn 1 triệu tỷ bị rút khỏi SCB “chảy” về đâu?

Để thực hiện việc rút tiền, giải ngân từ SCB, Trương Mỹ Lan đã mở rộng hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 pháp nhân gồm các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, được chia thành nhiều tầng lớp với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật. Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát được chia làm 4 nhóm chính có liên quan chặt chẽ với nhau, gồm:

Nhóm định chế tài chính tại Việt Nam, gồm SCB, Chứng khoán Tân việt (TVSI), CTCP Đầu tư tài chính Việt Vĩnh Phú, trong đó SCB đóng vai trò đặc biệt quan trọng, được sử dụng như một công cụ tài chính để cấp vốn cho hệ sinh thái VTP.

Nhóm công ty có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, phần lớn là các công ty bất động sản, nhà hàng, khách sạn. Những công ty này đều có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối tại các công ty con, công ty thành viên.

Nhóm các công ty “ma” tại Việt Nam được thành lập để lấy pháp nhân góp vốn đầu tư vào các dự án, vay vốn ngân hàng, thực hiện đảo nợ hoặc ký hợp đồng hợp tác đầu tư…

Nhóm các công ty tại nước ngoài được lập làm vỏ bọc tại nhiều quốc gia, lãnh thổ khác nhau, tại các “thiên đường thuế” để phục vụ công tác đầu tư hoặc sử dụng danh nghĩa đầu tư vào Việt Nam. Nhóm này còn có nhiệm vụ quản lý vốn, tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan tại nước ngoài.

Và từ đó hơn 1,06 triệu tỷ đồng đã được giải ngân.

Tính đến thời điểm bị khởi tố dư nợ của nhóm Trương Mỹ Lan còn 677.286 tỷ đồng. Trong khi đó tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại SCB đang hơn 511.262 tỷ đồng.

Bị cáo Trương Mỹ Lan bị cáo buộc đã chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng.

>> Con gái của Trương Mỹ Lan quyết khởi nghiệp do được truyền cảm hứng mạo hiểm từ mẹ

Cố tình công bố sai lệch và ém thông tin, Tập đoàn Tiến Bộ (TTB) bị phạt nặng

Con gái Trương Mỹ Lan nắm giữ những vị trí trọng yếu tại Vạn Thịnh Phát với khối tài sản hàng chục nghìn tỷ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/than-chu-de-truong-my-lan-bien-ra-chiec-vi-than-scb-roi-bon-rut-hon-1-trieu-ty-212161.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Thần chú để Trương Mỹ Lan biến ra chiếc ví thần SCB rồi bòn rút hơn 1 triệu tỷ
POWERED BY ONECMS & INTECH