Người anh hùng đầu tiên cắm lá cờ chiến thắng ở Điện Biên Phủ

14-04-2024 08:01|Quỳnh Châu

Vị anh hùng này đã lập công xuất sắc, thực hiện lời hứa đanh thép quyết đem lá cờ chiến thắng của Bác Hồ cắm lên cứ điểm địch.

Trần Can sinh năm 1931 tại xã Sơn Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Từ nhỏ, anh đã rất thích đi bộ đội để được cầm súng giết giặc, cứu nước. Lớn lên, ba lần anh xung phong tình nguyện nhập ngũ nhưng vì sức khỏe yếu, các đơn vị bộ đội đều từ chối, mãi đến lần thứ tư anh mới được chấp nhận.

Tháng 1/1951, chàng thanh niên Trần Can tròn 20 tuổi, rời quê hương Sơn Thành (Yên Thành, Nghệ An) nhập ngũ vào Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312, Quân đoàn 1).

Anh hùng Trần Can. Ảnh tư liệu/Báo QĐND

Anh hùng Trần Can. Ảnh tư liệu/Báo QĐND

Năm 1952, Trần Can cùng Trung đoàn 209 tham gia Chiến dịch Tây Bắc. Trong trận đánh địch ở Bản Hoa, anh làm nhiệm vụ xung kích và đã dùng thủ pháo diệt ụ súng địch để đơn vị tiến công. Khi tiểu đội bị thương vong nhiều, anh đã hiệp đồng với các đồng chí ở tiểu đội khác và dẫn đầu tổ diệt 3 ụ súng của địch, đánh thẳng vào sở chỉ huy, bắt sống 22 tên địch, thu 17 súng các loại.

Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, Trần Can trở thành một trong những Tiểu đội trưởng xuất sắc của Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312, được đồng đội kính trọng và tin yêu.

Cuối năm 1953, để chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đơn vị của Trần Can được giao nhiệm vụ mở đường kéo pháo và kéo pháo vào trận địa. Việc kéo pháo của bộ đội ta qua những đèo, núi vô cùng khó khăn, gian khổ, trong khi máy bay địch liên tục thả bom trên các tuyến đường nhằm ngăn chặn quân ta. Trần Can đã nhiều lần hăng hái dập lửa cứu pháo; mưu trí, dũng cảm đưa pháo về vị trí tập kết an toàn.

Mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị Trần Can được giao nhiệm vụ tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Đây là một trong những trung tâm đề kháng mạnh của địch, gồm ba cứ điểm phòng ngự kiên cố nằm trên ba quả đồi liền nhau, do Tiểu đoàn 3 thuộc Trung đoàn Lê dương số 13 chiếm đóng. Cứ điểm Him Lam nằm cách Mường Thanh 2,5km, có nhiệm vụ bảo vệ phân khu trung tâm Mường Thanh và án ngữ con đường từ Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ.

Ngày 13/3/1954, trong trận đánh cứ điểm Him Lam mở màn cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Tiểu đội trưởng Trần Can chỉ huy tiểu đội nhanh chóng chiếm lô cốt đầu cầu, rồi đánh thẳng vào sở chỉ huy, tiêu diệt địch còn lại trong hầm ngầm, bắt 25 tên địch, thu nhiều vũ khí. Trần Can đã cắm lá cờ "Quyết chiến, Quyết thắng" lên trung tâm cứ điểm Him Lam. Đây là lá cờ chiến thắng đầu tiên của Chiến dịch Điện Biên Phủ, lúc ấy vào khoảng 19h30 ngày 13/3/1954.

Bộ đội ta giương cao cờ chiến thắng trên cứ điểm Him Lam vừa chiếm được trong trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu/Báo QĐND

Bộ đội ta giương cao cờ chiến thắng trên cứ điểm Him Lam vừa chiếm được trong trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu/Báo QĐND

Anh hùng Trần Can đã lập công xuất sắc trong trận này, thực hiện lời hứa đanh thép quyết đem lá cờ chiến thắng của Bác Hồ cắm lên cứ điểm địch. Thắng lợi giòn giã ở cứ điểm 3 Him Lam làm nức lòng cán bộ chiến sĩ toàn trung đoàn, tạo cơ hội cho Trung đoàn 141 tiêu diệt hoàn toàn các cứ điểm 1 và 2 làm chủ cứ điểm Him Lam.

Sau chiến thắng tại Him Lam, Trần Can tiếp tục chiến đấu ở nhiều vị trí khác nhau, khi chi viện cho Tiểu đoàn 154 phòng ngự ở đồi D hay lúc giúp cho trung đoàn bạn chiến đấu giữ vững từng chiến hào ở đồi C1.

Rạng sáng 7/5/1954, khi chiến thắng đã cận kề, một đợt hỏa lực mạnh của địch bất ngờ ập xuống, khiến Trần Can trúng đạn, anh dũng hy sinh, để lại nỗi tiếc thương vô hạn trong lòng đồng đội. Khi đó, anh là Đại đội phó bộ binh thuộc Trung đoàn 209, Đại đoàn 312.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, chiếc mũ nan của Anh hùng liệt sĩ Trần Can dùng để che nắng, che mưa trong quá trình học tập, công tác, chiến đấu được đồng đội lưu giữ như một kỷ vật chiến trường tại nhà truyền thống của Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1). Chiếc mũ mộc mạc, giản dị, nhưng là minh chứng sống động về một thời oanh liệt của cả dân tộc, để lại dấu ấn không thể phai mờ trong tâm khảm những người đã từng sống, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Chiếc mũ nan của anh hùng liệt sĩ Trần Can. Ảnh: Báo QĐND

Chiếc mũ nan của anh hùng liệt sĩ Trần Can. Ảnh: Báo QĐND

Với những chiến công to lớn, Trần Can đã được tặng 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 2 lần được bầu là chiến sĩ thi đua của đại đoàn. Ngày 7/5/1956, Trần Can được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Để ghi nhớ công ơn người anh hùng, nhân dân thành phố Điện Biên Phủ đã gắn biển tên anh cho một đường phố - đường Trần Can. Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 có nấm mồ ở vị trí danh dự: Liệt sĩ anh hùng Trần Can.

Tham khảo:

- Người cắm lá cờ chiến thắng đầu tiên ở Điện Biên Phủ - Báo Tiền Phong

- Trần Can - Anh hùng cắm cờ trên Cứ điểm Him Lam - Báo QĐND

- Anh hùng, liệt sĩ Trần Can - Chuyên trang Nhân vật - Sự kiện (TTXVN)

>> Anh hùng pháo binh tự vận hành khẩu sơn pháo 75mm trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, 5 lần được gặp mặt Bác Hồ

Vị tướng nức danh trung nghĩa là ‘khai quốc công thần’ triều Nguyễn, được xưng tụng là 1 trong 5 mãnh tướng tài ba của ‘Ngũ hổ tướng Gia Định’

Người chiến sĩ đầu tiên phất lá cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu mốc son chói lọi, chấm dứt cuộc chiến tranh lâu dài nhất và vĩ đại nhất của nhân dân ta

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nguoi-anh-hung-dau-tien-cam-la-co-chien-thang-o-dien-bien-phu-d120408.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Người anh hùng đầu tiên cắm lá cờ chiến thắng ở Điện Biên Phủ
    POWERED BY ONECMS & INTECH