Tăng 50% từ đầu tháng 3, cổ phiếu NVL (Novaland) bắt đầu gặp cản tại đường MA100 (mức 15.180 đồng). Việc đua sóng ở vùng giá hiện tại có thể đem đến rủi ro tiềm ẩn.
Thị trường chứng khoán mở cửa trong sắc xanh và liên tục rung lắc quanh mốc 1.070 điểm. Sắc xanh cũng quay trở lại và lấn lướt trên cả 3 sàn.
Mặc dù vậy, nhóm cổ phiếu VN30 vẫn chưa thực sự đồng thuận khi VJC, VJC, SAB, BCM và một số nhóm ngân hàng vẫn đang tạo áp lực giảm điểm. Chiều ngược lại, MSN, POW, PDR, NVL đang là các mã tích cực nhất với mức tăng từ 1 - 3%.
Cá biệt, cổ phiếu NVL của Novaland có thời điểm được kéo lên mức giá trần phiên thứ 2 liên tiếp (mức 15.150 đồng) cùng dư mua giá trần gần 7,5 triệu đơn vị.
Ghi nhận, khớp lệnh cổ phiếu NVL lúc 9h46 đạt 23,4 triệu đơn vị trong đó chiều mua vào đang chiếm áp đảo với 58,14% so với tỷ lệ 24,12% bán ra chủ động.
Diễn biến giá cổ phiếu NVL |
Quan sát từ khi tạo đáy 10.050 đồng hồi cuối đầu tháng 3 vừa qua, đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu NVL đã tăng gần 50% giá trị chỉ sau hơn 1 tháng. Thanh khoản cổ phiếu cũng tăng trở lại trong khoảng thời gian này. Dù vậy, so với vùng giá 85.x đồng hồi đầu tháng 10/2022, cổ phiếu NVL hiện đã giảm khoảng 83% giá trị - tương ứng mất 70.000 đồng/cổ phiếu.
Với phiên tăng trước mắt, mã bắt đầu gặp cản tại đường MA100 (mức 15.180 đồng). Đây có thể là kháng cự của mã trong một vài phiên tới trước khi xác nhận xu hướng rõ ràng. Việc giao dịch tại vùng giá hiện tại trong bối cảnh cổ phiếu đã tăng mạnh có thể đem đến rủi ro tiềm ẩn cho nhà đầu tư.
Mới nhất, HOSE vừa công bố danh sách bổ sung 11 mã chứng khoán bị cắt margin trong đó có NVL, TVB, LDG, IBC, HPX, HBC,... do chậm công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá hạn 5 ngày so với quy định.
Dù vậy, thông tin tích cực là Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa có quyết định thành lập tổ công tác gỡ vướng cho các dự án của Novaland tại 2 tỉnh là Bình Thuận và Đồng Nai.
Trước đó, sáng 17/2, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT Novaland - cho biết, Tập đoàn đang có 25.000 tỷ đồng bị phong tỏa tại các ngân hàng thương mại trong đó theo các điều kiện tín dụng, khoảng hơn 10.000 tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải tỏa khi Novaland hoàn thiện được một số thủ tục pháp lý.
Nếu trong vòng 1 - 2 tháng tới vấn đề này được giải quyết, doanh nghiệp sẽ có nguồn vốn để tiếp tục hoạt động bình thường.