Thương vụ đầu tư tại cổ phiếu PTI của Bảo hiểm Bưu Điện ghi nhận khoản lãi lớn tỷ đồng cùng với các khoản đầu tư có lời tại cổ phiếu MWG, NLG đã đem về cho VNDirect khoản lợi nhuận khổng lồ sau 6 tháng.
Chứng khoán VNDirect (Mã VND - HOSE) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 với tổng doanh thu đạt 1.837 tỷ đồng tăng 74% so với cùng kỳ năm 2021 trong đó đóng góp chính đến từ 3 mảng gồm môi giới chứng khoán, cho vay margin - thu từ ứng trước tiền bán và lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL).
Chi tiết theo từng mảng hoạt động, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận lãi lỗ (FVTPL) là 871,4 tỷ đồng - tăng 197,2% so với năm ngoái; lãi từ các khoản cho vay và phải thu 423 tỷ đồng - tăng 73,1% so với cùng kỳ song lại giảm gần 9% so với thời điểm cuối quý I/2022.
Ngoài ra, do sự sụt giảm về thanh khoản thị trường, doanh thu mảng môi giới cũng ghi nhận giảm 11,2% so với cùng kỳ còn 329,7 tỷ đồng.
Trong quý II, chi phí hoạt động của Chứng khoán VNDirect tăng đột biến 123,9% lên 868,2 tỷ đồng trong đó chiếm chủ đạo là lỗ từ các tài sản tài sản tài chính trong quý II của công ty gấp gần 6 lần cùng kỳ - ghi nhận 590,7 tỷ đồng.
Khấu trừ các chi phí, VNDirect báo lãi trước thuế và sau thuế quý II lần lượt 646,9 tỷ đồng và 524,2 tỷ đồng, tăng lần lượt 32% và 34,7%.
Lũy kế bán niên 2022, Chứng khoán VNDirect báo tổng doanh thu đạt 3.600 tỷ đồng; lãi trước thuế và sau thuế lần lượt 1.603 tỷ đồng và 1.286 tỷ đồng - tăng 41,1% và 42,2% so với nửa đầu năm ngoái.
Với việc Chứng khoán SSI (Mã SSI - HOSE) chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế bán niên 2022 đạt 1.100 tỷ đông, tạm tính VNDirect đã vươn lên trở thành công ty chứng khoán dẫn đầu về lợi nhuận sau thuế sau 2 quý đầu năm 2022.
Sau 2 quý đầu năm, dư nợ cho vay ký quỹ tại VND ghi nhận 11.229 tỷ đồng (tương đương HSC song thấp hơn Mirae Asset (Việt Nam), TCBS) - giảm 23% so với thời điểm đầu năm; lãi thu từ hoạt động ứng trước tiền bán của nhà đầu tư giảm gần 59% so với thời điểm đầu năm 2022.
Tại thời điểm ngày 30/6/2022, tổng tài sản của VNDirect là 44.343 tỷ đồng - tăng mạnh gần 7.500 tỷ đồng so với đầu năm; vốn chủ sở hữu đạt 14.400 tỷ đồng (bao gồm hơn 2.200 tỷ lợi nhuận chưa phân bối); nợ phải trả tăng lên mức hơn 29.900 tỷ đồng (chủ yếu là nợ ngắn hạn); lượng tiền và tương đương giảm mạnh về còn 1.920 tỷ đồng.
Về tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) tại ngày 30/6 có giá gốc là 20.297 tỷ đồng và giá thị trường là 20.978 tỷ đồng. VNDirect tiếp tục rót vốn vào trái phiếu doanh nghiệp với quy mô đầu tư mảng này đạt 6.870 tỷ đồng và quy mô chứng chỉ tiền gửi là 9.647 tỷ đồng.
Cùng với đó, thương vụ đầu tư tại cổ phiếu PTI của Bảo hiểm Bưu Điện cũng ghi nhận khoản lãi hơn 680 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản đầu tư cổ phiếu MWG, NLG cũng đem về lần lượt 22 tỷ và 15 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản đầu tư tại HSG khiến công ty này lỗ hơn 46 tỷ đồng.
Những nhóm ngành nào nhà đầu tư cần chú ý trong tháng cuối năm 2024?
Chứng khoán DSC: Thị phần môi giới của VNDirect (VND) khó hồi phục mạnh trong ngắn hạn