Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành công điện số 517/CĐ-TTg về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bằng nhiều hình thức từ sớm, từ xa về việc bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023, trong đó yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện cũng như lưu ý các giải pháp cụ thể khắc phục các khó khăn về cung ứng điện thời gian qua, trong đó có Thông báo số 185/TB-VPCP ngày 19/5/2023.
Trong công điện, Thủ tướng đánh giá tình hình nắng nóng gay gắt và tác động của El Nino đã làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt. Trong khi đó, tình trạng thiếu mưa ở các tỉnh phía bắc khiến nước về các hồ thủy điện rất thấp, gây ảnh hưởng rất lớn đến cung ứng điện.
Thủ tướng đã chỉ đạo bằng nhiều hình thức từ sớm, từ xa, yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện đồng thời các cơ quan đã nỗ lực một số giải pháp cấp bách nhưng vẫn xuất hiện những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm cung ứng đủ điện trong thời gian tới, đặc biệt là ở miền Bắc.
Trong khi đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam được Thủ tướng giao nhiệm vụ cung cấp đủ than, khí cho các nhà máy điện theo đề nghị của EVN; phối hợp chặt chẽ với EVN trong thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian tới; khẩn trương chỉ đạo khắc phục ngay sự cố các nhà máy điện thuộc thẩm quyền, sớm đưa vào vận hành trong tháng 6.
Lượng tiêu thụ điện bình quân cả nước đạt gần 820 triệu kWh một ngày trong tháng 5, tăng hơn 20% so với tháng 4. Riêng ngày 19/5, lượng tiêu thụ gần 924 triệu kWh, mức cao nhất từ đầu năm và tăng 10,5% so với cùng kỳ. Công suất tiêu thụ cực đại cũng đạt đỉnh ở 44.600 MW và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Cuối tháng 4, EVN dự báo miền Bắc có thể thiếu 1.600-4.900 MW trong mùa khô. Hơn một tháng sau, tình hình cung ứng điện ở tình trạng "khẩn cấp" hơn khi theo tính toán của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), hệ thống điện miền Bắc có thể thiếu khoảng 8.000 MW trong trường hợp cực đoan, tăng 60% so với dự báo trước đây. Vì thế, A0 đề nghị tăng mức tối đa ngừng cấp điện của hệ thống điện quốc gia từ 8.000 MW lên 15.000 MW, tương đương điện cho miền Bắc giảm 8.100 MW. Trong đó, mức giảm cấp điện lớn nhất của Hà Nội và TP HCM khoảng 4.100 MW.
Ngoài tiết kiệm, ngành điện cũng vận động khách hàng điều chỉnh thời gian sử dụng vào các giờ cao điểm nắng nóng và tham gia chương trình giảm phụ tải (DR). Hiện có khoảng 11.000 khách hàng là các doanh nghiệp tham gia chương trình này, ước tính lượng điện tiết kiệm mỗi ngày khoảng 20 triệu kWh, tương đương 2,5% điện năng tiêu thụ.
EVN cũng đề nghị các địa phương tiết kiệm điện 10% trong trụ sở các cơ quan hành chính sự nghiệp; trụ sở các đơn vị ngành điện giảm 15% lượng điện tiêu thụ; giảm công suất chiếu sáng tại địa phương 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước tình hình trên, người đứng đầu Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố.
Trong đó, Thủ tướng trực tiếp giao Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong giai đoạn 1/1/2021-1/6/2023.
Đồng thời, Bộ Công Thương cần rà soát, đánh giá kỹ về tình hình cung ứng điện. khẩn trương hướng dẫn EVN xây dựng các kịch bản chủ động kịp thời ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện và tổ chức thực hiện theo quy định. Hoàn thành việc này trước 10/6.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cần khẩn trương hoàn thiện chỉ thị của Thủ tướng về tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, trong đó tập trung giải pháp thiết thực, hiệu quả trong giai đoạn khó khăn về cung ứng điện. Nội dung này phải trình Thủ tướng ký ban hành trước 8/6.
Ngoài ra, cơ quan này được yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng về đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới, báo cáo Thủ tướng trước 15/6.
Liên quan đến các loại hình điện tái tạo, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, hướng dẫn xử lý dứt điểm theo thẩm quyền đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã thực hiện đầu tư xây dựng nhưng không đáp ứng thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT. Đồng thời, khẩn trương hướng dẫn về công tác đàm phán giá điện trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" đối với các dự án điện gió, điện mặt trời và phải hoàn thành trong 6/2023.