Đây cũng là địa phương "tiên phong" với mô hình nói không với túi ni lông, phân loại rác tại nguồn từ hơn 10 năm trước.
Từ hơn một thập kỷ trước, thành phố Hội An (Quảng Nam) đã tiên phong trong việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam bằng cách thực hiện mô hình không sử dụng túi ni lông và phân loại rác tại nguồn. Hiện nay, Hội An lại tiếp tục dẫn đầu cả nước với sáng kiến "cân rác thải thu tiền", triển khai thử nghiệm thu phí rác thải dựa trên khối lượng bằng việc bán túi ni lông đựng rác. Mô hình này nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân phố cổ, góp phần xây dựng Hội An trở thành một đô thị sinh thái, văn hóa và du lịch bền vững.
Theo thông tin từ VOV, hơn 450 hộ dân tại đường Nguyễn Tri Phương, phường Cẩm An, Hội An đã là những hộ tiên phong thực hiện thí điểm mô hình thu phí rác thải dựa trên thể tích và trọng lượng thông qua việc sử dụng túi ni lông. Từ năm 2023, những gia đình này đã chuyển sang mua túi ni lông và tự phân loại rác thải hữu cơ và vô cơ ngay tại nhà, thay vì phải đóng phí gom rác hàng tháng như trước đây.
Mỗi tháng, nhân viên của công ty môi trường sẽ cung cấp cho mỗi hộ các loại túi ni lông có dung tích 10, 15 và 20 lít. Với mức giá quy đổi, túi ni lông dung tích 10 lít có giá gần 1.900 đồng, túi 15 lít có giá 5.000 đồng và túi 20 lít có giá 7.500 đồng. Rác thải từ sinh hoạt hàng ngày sẽ được phân loại thành ba loại: chất thải thực phẩm sẽ được đựng trong túi màu trắng với chữ xanh; chất thải có khả năng tái chế hoặc sử dụng lại sẽ được gia đình tự thu gom và xử lý tại nhà; và rác thải sinh hoạt khác sẽ được lưu trữ trong túi màu trắng có chữ đen.
Bà Nguyễn Thị Ý, cư dân tại phường Cẩm An, Hội An, chia sẻ rằng chi phí hàng tháng của mỗi hộ gia đình chỉ khoảng 30 ngàn đồng, giống như trước đây. Thay vì trả tiền mặt, họ sẽ được quy đổi thành 16 túi dung tích 10 lít, 6 túi dung tích 15 lít, và 4 túi dung tích 20 lít. Bà Ý cho rằng, việc thu phí qua việc bán túi chỉ là một phương thức hoán đổi, không có sự thay đổi lớn so với trước đây. Nếu dùng hết số túi được cung cấp, nhiều người vẫn có thể sử dụng túi thông thường để tránh phải mua thêm từ công ty môi trường.
Dù hình thức thu phí theo cân nặng, thể tích đang được thử nghiệm có thể tạo ra chi phí cao hơn nhưng vẫn có rất nhiều cư dân ủng hộ, vì họ cho rằng đây là cách công bằng và giúp nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Bà Ý cũng nhấn mạnh về việc phân loại rác tại nguồn để giảm thiểu rác thải đổ ra môi trường, đặc biệt khi bãi rác của thành phố đã quá tải và chi phí vận chuyển rác đến bãi rác khác rất lớn, theo VOV.
Năm 2022, UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý với chủ trương "thử nghiệm quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố Hội An theo quy định tại Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường". Thành phố Hội An trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thử nghiệm quy định này từ năm 2020. Ngay sau đó, thành phố này đã triển khai thí điểm mô hình thu phí rác thải theo khối lượng phát thải bằng cách bán túi ni lông để đựng rác. Giá túi ni lông được tính bằng tổng chi phí sản xuất và chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý rác phát thải quy đổi từ thể tích của túi.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, cho biết rằng trong quá trình thử nghiệm, tất cả dữ liệu về rác thải đều được ghi nhận và thành phố sẽ tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện phương án bán túi ni lông sau khi lắng nghe phản hồi từ cộng đồng.
Ông cũng chia sẻ: "Phân loại rác tại nguồn của người dân nó dừng ở mức độ tương đối. Khi có sự kiểm tra, giám sát của chính quyền thì người dân sẽ ý thức cao và thực hành nghiêm việc phân loại rác tại nguồn nhưng khi việc đó buông lõng một chút thì người dân có những hoạt động không phân loại rác tại nguồn không được tốt”, theo VOV.
Trong nhiều năm qua, mức phí thu gom rác thải ở tỉnh Quảng Nam đã được quy định là 30 ngàn đồng mỗi hộ mỗi tháng. Tuy nhiên, theo Luật Bảo vệ môi trường, từ năm 2025, việc thu phí rác thải sẽ được thực hiện theo khối lượng và yêu cầu bắt buộc phân loại rác tại nguồn. Hiện tại, có hơn 60% các hộ dân tại thành phố Hội An đã thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, các hộ còn lại vẫn tiếp tục vứt rác vào túi thông thường rồi mang đi đổ.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, cho biết rằng việc duy trì hoạt động phân loại rác tại nguồn có thể giảm khoảng 30% lượng rác được chôn lấp, đồng thời thúc đẩy nền kinh tế tái chế, biến rác thải thành tài nguyên. Đây được xem là giải pháp căn bản giúp Hội An phát triển thành một đô thị sinh thái, văn hóa, du lịch bền vững.
“Thu phí rác theo khối lượng mà người dân phát thải ít sẽ nộp tiền ít, ai phát thải nhiều sẽ phải nộp tiền nhiều. Điều đó hướng đến lẽ công bằng. Thói quen của người dân cũng sẽ thay đổi”, ông Hùng chia sẻ thêm, theo VOV.
Phố cổ Hội An hiện nay là một ví dụ đặc biệt về cảng thị truyền thống tại Đông Nam Á. Các ngôi nhà lịch sử tại đây, chủ yếu được xây dựng từ thế kỷ 17 đến 19, thể hiện rõ nét kiến trúc truyền thống. Trải qua hàng thế kỷ, nơi đây đã chứng kiến sự hình thành, phát triển và suy tàn của cảng thị Hội An qua các công trình kiến trúc tôn giáo. Sự đa dạng văn hóa được thể hiện qua sự kết hợp giữa các hội quán, đền miếu của người Hoa và các ngôi nhà theo phong cách kiến trúc Pháp, cùng với nền văn hóa phi vật thể đặc trưng của địa phương.
Nhiều di tích lịch sử vẫn được bảo tồn nguyên vẹn tại Hội An, bao gồm bến cảng, phố cổ, nhà thờ tộc, đình chùa và các hội quán. Chẳng hạn như Chùa Cầu - biểu tượng của Hội An, là một minh chứng sống cho sự đa dạng văn hóa và kiến trúc, phản ánh mối quan hệ buôn bán của Hội An với các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Pháp và Ý.
Với những giá trị nổi bật này, tại lần họp thứ 23 vào ngày 4 – 12 – 1999 của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận đô thị cổ Hội An là di sản văn hóa thế giới theo hai tiêu chí:
- Hội An là điển hình tiêu biểu về một đô thị châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.
- Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế.