Thành phố lớn nhất thế giới thử nghiệm làm việc 4 ngày/tuần để giới trẻ có thể đi hẹn hò
Tokyo, thủ đô của Nhật Bản, sẽ triển khai chương trình làm việc 4 ngày/ 1 tuần nhằm đối phó với tình trạng tỷ lệ sinh thấp kéo dài tại quốc gia này.
Chương trình thử nghiệm này dự kiến bắt đầu vào tháng 4/2025, cho phép hàng nghìn nhân viên tại thành phố Tokyo chỉ làm 4 ngày, có thêm một ngày nghỉ mỗi tuần. Động thái này là một phần trong xu hướng toàn cầu áp dụng mô hình "4 ngày làm, 3 ngày nghỉ" nhằm cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Thống đốc thành phố Tokyo, bà Yuriko Koike, nhấn mạnh tại cuộc họp hội đồng thành phố gần đây rằng, chính sách này được kỳ vọng giúp giảm bớt khó khăn trong việc nuôi dạy con cái và ngăn chặn tình trạng nhân viên phải từ bỏ sự nghiệp vì lý do sinh con hay chăm sóc gia đình, hoặc ngược lại.
Theo thống kê, dân số Nhật Bản đã suy giảm năm thứ 16 liên tiếp, trong khi số trẻ sơ sinh tại Tokyo giảm hơn 15% từ năm 2012 đến 2022.
“Chúng tôi sẽ linh hoạt điều chỉnh phong cách làm việc để không ai phải hy sinh sự nghiệp vì những trách nhiệm trong cuộc sống", bà Koike phát biểu. Đồng thời, bà thừa nhận Nhật Bản vẫn tụt hậu so với thế giới trong việc trao quyền cho phụ nữ, điều bà coi là mục tiêu dài hạn.
Chương trình này cũng nhận được sự hỗ trợ từ tổ chức phi lợi nhuận “4 Day Week Global”, có trụ sở tại Anh, thường làm nhiều thử nghiệm trên toàn thế giới về tuần làm việc ngắn hơn và nhận định Tokyo đang thực hiện một bước đi táo bạo tại quốc gia nổi tiếng với văn hóa làm việc điên cuồng, nơi cụm từ “karoshi” (chết vì làm việc quá sức) đang trở nên phổ biển.
Việc Tokyo tham gia thử nghiệm này nối tiếp những chương trình tương tự tại các tỉnh và thị trấn khác ở Nhật Bản, góp phần đánh giá hiệu quả của mô hình làm việc mới trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống tại Nhật Bản.
Bà Charlotte Lockhart, người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận 4 Day Week Global, cho biết các chương trình thí điểm tuần làm việc bốn ngày do tổ chức thực hiện tại 20 quốc gia, từ Nam Phi, Brazil đến Đức, mang lại kết quả khá nhất quán.
Theo lời bà Lockhart, các thử nghiệm đã chứng minh những lợi ích rõ rệt: năng suất tăng, tỷ lệ nhân viên gắn bó với doanh nghiệp cải thiện và số ngày nghỉ ốm giảm một nửa. "Những kết quả này vượt qua mọi kỳ vọng ban đầu", bà nhấn mạnh.
Khuyến khích giới trẻ đi hẹn hò
Đáng chú ý, nghiên cứu của tổ chức “4 Day Week Global” còn chỉ ra một xu hướng chung: ở hầu hết các quốc gia, người lao động, nhất là trong độ tuổi 20-35, đều than phiền về tình trạng thiếu thời gian.
Tại Nhật Bản, vấn đề này được coi như một trong những nguyên nhân dẫn đến người trẻ ngại hẹn hò và tiến tới hôn nhân, từ đó góp phần vào tỷ lệ sinh thấp kỷ lục.
Bối cảnh nhân khẩu học của Nhật Bản đang ở trong tình trạng báo động. Năm 2024, số trẻ sơ sinh dự kiến sẽ lần đầu tiên giảm xuống dưới 700.000 em kể từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu từ năm 1899.
Thủ tướng Shigeru Ishiba từng cảnh báo đây là "tình trạng khủng hoảng ngầm " đe dọa nền tảng quốc gia. Với tỷ lệ người già cao nhất thế giới và lực lượng lao động thiếu hụt nghiêm trọng, nền kinh tế Nhật Bản đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn.
Để giải quyết vấn đề, chính quyền Tokyo đã áp dụng nhiều biện pháp như hỗ trợ tài chính cho gia đình, giảm thuế và mở rộng hệ thống chăm sóc trẻ.
Mới đây, thành phố còn ra mắt ứng dụng hẹn hò với quy định nghiêm ngặt, nhằm khuyến khích người dân kết hôn và sinh con. Ứng dụng này yêu cầu người dùng cam kết sử dụng với mục đích hôn nhân, không phải quan hệ ngắn hạn. Thống đốc TP Tokyo và nhiều chính trị gia khác vẫn đang xem tỷ lệ kết hôn thấp là rào cản trực tiếp đối với việc gia tăng dân số.
Các động thái này phản ánh sự cấp bách của Tokyo trong việc giải quyết vấn đề nhân khẩu học, với hy vọng tuần làm việc ngắn hơn và các chính sách hỗ trợ gia đình sẽ mang lại hiệu quả bền vững.
Theo FT
>> Dịch vụ ‘nộp đơn nghỉ việc hộ” bùng nổ tại Nhật Bản do văn hóa… quá lịch sự