Bất động sản

Thành phố lớn thứ 2 Việt Nam sắp có thêm 8 trung tâm logistics

Quốc Chiến 12/09/2024 08:43

TP. HCM hướng đến mục tiêu đến năm 2030, ngành logistics đóng góp trên 8,5% vào GRDP.

UBND TP. HCM vừa ban hành kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nhằm nâng cao công suất bốc dỡ, kho chứa cảng biển và hình thành các trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, TP. HCM sẽ tập trung triển khai 8 dự án xây dựng trung tâm logistics.

Dự án Trung tâm logistics Cát Lái (TP. Thủ Đức) sẽ đóng vai trò trung tâm thương mại và logistics quốc tế, tiếp nhận nguồn hàng từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, TP. HCM và Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 triển khai tại phường Thạnh Mỹ Lợi với quy mô 60-100ha, năng lực thông quan 3.100.000-3.500.000TEU; giai đoạn 2 triển khai tại phường Phú Hữu với quy mô 26ha, năng lực thông quan 800.000TEU.

TP. HCM sắp có thêm 8 trung tâm logistics

TP. HCM sắp có thêm 8 trung tâm logistics

Dự án Trung tâm logistics Linh Trung (phường Linh Trung, TP. Thủ Đức) có quy mô 40-50ha, năng lực thông quan 480.000-520.000TEU và định hướng trở thành trung tâm xuất nhập khẩu, kết hợp phát triển ga cảng hàng không nối dài để phân phối hàng xuất nhập khẩu từ các khu công nghiệp trong vùng Đông Nam Bộ.

Dự án Trung tâm logistics Long Bình (phường Long Bình, TP. Thủ Đức) gắn với quy hoạch cụm cảng trung chuyển - cảng cạn Long Bình và cảng thủy nội địa Long Bình. Với quy mô 50ha và năng lực thông quan 750.000-800.000TEU, dự án hướng tới chức năng trung tâm trung chuyển hàng xuất nhập khẩu từ các khu công nghiệp vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đến cụm cảng Cái Mép.

>> Nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á trong thế kỷ XX của Việt Nam: Từng huy động đến 4 vạn công nhân xây dựng, sắp được mở rộng thêm 2 tổ máy

Dự án Cảng Cạn - Trung tâm logistics Khu công nghệ cao (TP. Thủ Đức) có quy mô 5-6ha, năng lực thông quan 60.000TEU/năm. Dự án định hướng phát triển các dịch vụ ga cảng hàng không nối dài, phục vụ chủ yếu nguồn hàng từ khu công nghệ cao và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai.

Dự án Trung tâm logistics Tân Kiên (huyện Bình Chánh) gắn với quy hoạch cảng cạn Tân Kiên, có quy mô 60ha và năng lực thông qua 450.000-500.000TEU, với chức năng là trung tâm phân phối hàng nội địa, đặc biệt là hàng lạnh và nông thủy sản từ Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án Trung tâm logistics Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) có quy mô 100ha, năng lực thông quan 1.430.000-1.600.000TEU, định hướng là trung tâm phân phối hàng thương mại điện tử và hàng nội địa từ các khu công nghiệp trong Thành phố và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ.

Dự án Trung tâm logistics Củ Chi (huyện Củ Chi) gắn với quy hoạch cảng cạn và cảng thủy nội địa Củ Chi, có quy mô 10-15ha, năng lực thông quan 282.150-319.770TEU. Trung tâm này sẽ chuyển hàng đến cảng TP. HCM và Cái Mép, phục vụ nguồn hàng từ các khu công nghiệp phía Bắc TP. HCM và các khu vực lân cận như Bình Dương, Bình Phước.

Sau năm 2030, TP. HCM đặt mục tiêu triển khai thêm hai dự án trung tâm logistics, bao gồm dự án Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) với quy mô 150ha, năng lực thông quan 1.500.000-1.600.000TEU và dự án Trung tâm logistics Bình Khánh (huyện Cần Giờ) với quy mô 116ha, năng lực thông quan 250.000-300.000TEU.

TP. HCM hướng đến mục tiêu đến năm 2030, ngành logistics đóng góp trên 8,5% vào GRDP; tốc độ tăng trưởng doanh thu từ 15%-20%/năm; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt trên 60%; và chi phí logistics giảm xuống còn 12%-15% GDP quốc gia, với chỉ số LPI xếp hạng 45 trở lên trên thế giới.

Đến năm 2045, ngành logistics được kỳ vọng sẽ đóng góp trên 12% vào GRDP; doanh thu dịch vụ logistics tăng trưởng từ 10%-12%/năm; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt trên 70%; chi phí logistics giảm xuống còn 10%-12% GDP quốc gia; và chỉ số LPI đạt hạng 30 trở lên trên thế giới.

TP. HCM là thành phố lớn thứ 2 Việt Nam hiện nay với diện tích 2.095,39 km2 (chỉ xếp sau Thủ đô Hà Nội, 3.359,82 km²) và là một siêu đô thị trong tương lai gần. Đây còn là trung tâm kinh tế, giải trí, một trong hai trung tâm văn hóa và giáo dục quan trọng tại Việt Nam.

Là đô thị lớn và là đầu mối giao thông quan trọng của Việt Nam, TP. HCM có hệ thống cơ sở hạ tầng đa dạng và hiện đại với nhiều đường trục liên vùng lớn, 2 đường cao tốc chính nối các tỉnh miền Tây và miền Đông Nam Bộ cùng nhiều tuyến Quốc lộ trọng điểm như Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22. Bên cạnh đó, thành phố còn sở hữu tuyến đường xuyên Á, tuyến đường sắt Bắc - Nam và có cảng hàng không quốc tế lớn nhất Việt Nam thời điểm hiện tại.

>> Sắp có dự án chung cư cao tầng mới tại quận Ba Đình

Khu đô thị mới Thủ Thiêm được kỳ vọng thành trung tâm tài chính mới của Việt Nam sau gần 30 năm quy hoạch

Đầm nước rộng thứ hai Việt Nam, gấp 10 lần Hồ Tây sẽ trở thành trung tâm mới của TP có mật độ dân số gấp 3 lần so với mật độ dân số trung bình cả nước

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/thanh-pho-lon-nhat-viet-nam-sap-co-them-8-trung-tam-logistics-d132872.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Thành phố lớn thứ 2 Việt Nam sắp có thêm 8 trung tâm logistics
POWERED BY ONECMS & INTECH