Cơ sở sản xuất, kho tàng của các doanh nghiệp thép ven Quốc lộ 5 sẽ thực hiện di dời trong năm 2025, nhường chỗ cho các dự án chỉnh trang đô thị của thành phố.
UBND quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng vừa có văn bản thông báo tới 8 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép về việc thực hiện di dời. 8 doanh nghiệp này đang quản lý sử dụng khoảng hơn 50ha, trong đó phần diện tích thuộc địa phận phường Quán Toan (quận Hồng Bàng) là hơn 36ha, thuộc địa phận xã An Hồng (huyện An Dương) là hơn 14,2ha.
Trước đó, ngày 22/4/2024, UBND TP. Hải Phòng đã có văn bản số 891/UBND-QH về việc di dời các cơ sở sản xuất, kho hàng tại khu vực phường Quán Toan (quận Hồng Bàng) và xã An Hồng (huyện An Dương) để thực hiện chỉnh trang đô thị.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng từng bước di dời các nhà máy xí nghiệp, kho hàng khu vực nội đô để dành đất xây dựng dịch vụ công cộng và bổ sung cây xanh. Khu đất cảng ven sông Cấm sau khi di dời sẽ dành cho phát triển khu chức năng đô thị, ưu tiên công trình dịch vụ công cộng, cây xanh, văn phòng, thương mại…
Để thực hiện thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương, điều chỉnh địa giới một phần huyện An Dương và mở rộng quận Hồng Bàng giai đoạn 2024-2025, UBND TP. Hải Phòng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 quận Hồng Bàng đến năm 2040 và đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu vực đô thị An Dương. Trong đó, khu vực phía Tây - Nam khu công nghiệp Vật Cách và An Hồng phía tiếp giáp với Quốc lộ 5 cũ được quy hoạch đất đơn vị ở, cây xanh đô thị.
Theo Chương trình phát triển đô thị TP. Hải Phòng định hướng đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050 vừa được UBND thành phố phê duyệt, giai đoạn đến năm 2025, TP. Hải Phòng đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 60-70%; mật độ dân số toàn đô thị 2.000-3.000 người/km2; tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên toàn thành phố, đến năm 2025 đạt 31-32%; tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị khu vực nội thành, nội thị, đến năm 2025 đạt 16-≥24%.
Mở rộng đô thị trung tâm sang khu vực huyện An Dương và điều chỉnh địa giới hành chính quận Hồng Bàng (thành lập quận An Dương và điều chỉnh 03 xã An Hưng, Đại Bản và An Hồng sang quận Hồng Bàng). Khu vực nội thành bao gồm 8 quận: Lê Chân, Hồng Bàng, Ngô Quyền, Kiến An, Hải An, Dương Kinh, Đồ Sơn và An Dương. Thành lập thành phố Thủy Nguyên thành lập trên cơ sở hiện trạng địa giới hành chính huyện Thủy Nguyên và toàn bộ đảo Vũ Yên. Hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị loại I thành phố Hải Phòng theo quy định; bảo đảm 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị.
Tầm nhìn đến năm 2045-2050, TP. Hải Phòng xây dựng và phát triển thành đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao tỷ lệ đô thị hóa Việt Nam thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và Châu Á, giúp liên kết hệ thống các đô thị trong khu vực thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu... Cơ cấu kinh tế khu vực đô thị trên địa bàn thành phố phát triển theo hướng hiện đại với các ngành kinh tế xanh, kinh tế số chiếm tỷ trọng lớn. Tầm nhìn đến năm 2045-2050, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Hải Phòng có diện tích đất liền 1.561,8km2, là thành phố lớn thứ 3 của Việt Nam, thành phố lớn thứ 2 ở miền Bắc sau Hà Nội và là 1 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam. Đây cũng là trung tâm cấp vùng và cấp quốc gia cùng với Đà Nẵng và Cần Thơ.