Một thành phố trống trải, hầu như không có bóng chiếc xe ô tô trên đường, không có một đám đông nào là những gì diễn ra tại đây.
Khác với những thủ đô lâu đời và giàu truyền thống, Naypyidaw - Thủ đô của Myanmar chỉ mới được xây dựng vào năm 2005. Quyết định thành lập thủ đô mới được ban hành khi Chính phủ nước này muốn di dời trung tâm hành chính khỏi thành phố Yangon đông đúc và hỗn loạn.
Theo Telegraph, ngay từ khi ra đời, Naypidaw đã được đặt biệt danh là "thủ đô kỳ lạ nhất thế giới" vì những điều khác biệt: mọc lên từ một khu rừng nguyên sinh cách thủ đô cũ, Yangon, khoảng 320km; với quy mô khổng lồ và thiếu vắng cư dân.
Thủ đô của Myanmar rộng tới hơn 7.000 km2, gấp gần bốn lần London (Anh) và sáu lần diện tích thành phố New York (Mỹ). Nhiều người dân tin rằng có thể nhìn thấy Naypyidaw từ không gian.
Theo số liệu chính thức, dân số của thủ đô này 924.608 người vào năm 2019, với mật độ 131 người trên một km2 (tương đương với tỉnh Bắc Giang khoảng 134 người/km2). Đây thực sự là một tỷ lệ siêu nhỏ đối với một thành phố lớn, đặc biệt hơn khi Naypidaw còn là Thủ đô của một quốc gia có quy mô dân số lớn thứ 27 thế giới. Ví dụ, mật độ dân số ở London là 14.500 người/km2, với Paris (Pháp) đó là 53.000 người/km2 và Manila (Philippines) là 108.000 người/km2.
Năm 2002, quá trình xây dựng thủ đô mới của Myanmar âm thầm khởi động. Giới truyền thông quốc tế hoàn toàn không hay biết về dự án này cho đến tận đêm 6/11/2005, khi chính quyền quân sự Myanmar bất ngờ thông báo di dời các văn phòng chính phủ đến đây.
Một năm sau, thành phố mới vẫn còn khá xa lạ với thế giới. Tuy nhiên, vào ngày kỷ niệm đầu tiên của cuộc di dời, một cuộc diễu hành quân sự hoành tráng đã diễn ra dưới chân ba bức tượng khổng lồ của các vị vua vĩ đại nhất trong lịch sử Myanmar: Anawrahta, Bayinnaung và Alaungpaya. Đây cũng là sự kiện chính thức đánh dấu sự ra mắt của thủ đô mới với cái tên Naypyidaw.
Đến năm 2011, phóng viên Anh Damien McElroy của Telegraph có cơ hội ghé thăm và miêu tả Naypidaw là "một thành phố trống trải, hầu như không có bóng chiếc xe ôtô trên đường, không có một đám đông nào". "Dấu hiệu duy nhất của sự sống trên những đại lộ vắng vẻ dài hàng kilomet là những công nhân vệ sinh đang quét đường, đầu đội mũ rơm", McElroy cho biết.
Xuất hiện trong tập Burma Special thuộc chương trình Top Gear của đài BBC năm 2014, Naypyidaw hiện lên với những cao tốc hoang vắng, các nhân vật trải nghiệm chơi bóng đá trên đường và bông đùa về chuyện giờ cao điểm không tồn tại.
Một bài viết trên Guardian đã ví thủ đô của Myanmar như "một bức tranh kỳ lạ về ngoại ô nước Mỹ sau ngày tận thế" hay "giống như một bộ phim của Daivd Lynch về Triều Tiên". Tác giả viết: "Rất khó có thể tìm ra trung tâm thành phố thực sự nằm ở đâu. Điều này có lẽ là có mục đích: nơi này cũng không có địa điểm công cộng như quảng trường để tụ tập".
Thành phố này phân chia ra nhiều khu vực. Khu nhà ở ngoại giao rộng hơn 263 hecta, chủ yếu phục vụ các quốc gia khác mở đại sức quán. Tuy nhiên, hầu hết sứ quán các nước vẫn ở Yangon nên nơi này còn hoang vắng. Khu vực quân sự cách đó hàng kilomet là vùng cấm còn khu trung tâm hành chính quốc gia có 31 tòa nhà, Dinh Tổng thống với 100 phòng có hào bao quanh.
Người dân thủ đô sống trong những căn chung cư có mái đánh mã màu theo nghề nghiệp. Ví dụ, nhân viên Bộ Y tế sống trong chung cư có mái màu xanh lam, người của Bộ Nông nghiệp sống dưới những tòa nhà mái màu xanh lá.
Du khách đến Naypyidaw không nên bỏ qua Chùa Uppatasanti, nơi lưu giữ xá lợi răng Phật được rước về từ Trung Quốc, thu hút đông đảo du khách hành hương và tham quan. Ngoài ra, Bảo tàng Quốc gia và Bảo tàng Đá quý cũng là những điểm đến lý tưởng để du khách tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của Myanmar.
Bên cạnh đó, Thủ đô của Myanmar còn sở hữu nhiều công trình kiến trúc hiện đại như Đường cao tốc 20 làn, Trung tâm Hội nghị Quốc tế Myanmar 2. Du khách có thể lái xe trên tuyến đường rộng lớn và ít xe cộ hoặc tham gia các sự kiện quốc tế được tổ chức tại trung tâm hội nghị.