Xã hội

Thành phố trong thành phố đầu tiên của Việt Nam sẽ thành đô thị sáng tạo, dẫn dắt kinh tế trong 15 năm tới

Minh Phát 22/01/2025 - 16:00

Đồng thời, TP này cũng được định hướng trở thành trung tâm tài chính quốc gia, tiến tới tầm vóc quốc tế.

Ngày 21/1/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 202/QĐ-TTg, chính thức phê duyệt đồ án quy hoạch chung Thành phố Thủ Đức, TP.HCM đến năm 2040. Quy hoạch bao trùm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố với diện tích tự nhiên hơn 21.000 ha, định hướng phát triển Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao.

Theo quy hoạch, TP Thủ Đức sẽ đóng vai trò dẫn dắt kinh tế TP.HCM và vùng đô thị lân cận thông qua các hoạt động đào tạo, nghiên cứu, sản xuất công nghệ cao và hợp tác phát triển. Thành phố hướng tới trở thành trung tâm tài chính quốc gia với tầm vóc quốc tế, đồng thời xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, kết nối thuận lợi với các khu vực trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ.

Thủ Đức được xác định là đô thị loại I trực thuộc TP.HCM, trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa và giáo dục đào tạo khu vực phía Đông. Với nền tảng kinh tế tri thức và khoa học - công nghệ, thành phố sẽ tập trung vào các lĩnh vực tài chính, thương mại, dịch vụ, giáo dục và công nghệ cao, trở thành hạt nhân đổi mới sáng tạo, phát triển hạ tầng số và đô thị thông minh.

Thành phố trong thành phố đầu tiên của Việt Nam sẽ thành đô thị sáng tạo, dẫn dắt kinh tế trong 15 năm tới - ảnh 1
Ảnh minh họa. Ảnh: Internet

Dự kiến đến năm 2030, diện tích đất xây dựng của Thủ Đức sẽ đạt từ 16.200 - 16.500 ha, tương ứng 89 - 90 m²/người, trong đó đất dân dụng chiếm 12.000 - 12.200 ha (66 - 67 m²/người). Quy mô dân số thành phố dao động từ 1,5 triệu đến 1,825 triệu người.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ là trung tâm tài chính quốc gia với cơ sở hạ tầng hiện đại, đáp ứng các yêu cầu đa dạng về dịch vụ tài chính. Thủ Đức cũng sẽ phát triển các trung tâm thương mại, hội chợ và triển lãm, kết nối với 11 trọng điểm phát triển và hệ thống giao thông công cộng.

Thành phố còn chú trọng vào sản xuất công nghiệp và công nghệ cao. Khu công nghệ cao hiện hữu, với diện tích 913 ha, sẽ được nâng cấp để tập trung vào sản xuất, nghiên cứu và hoàn thiện hệ sinh thái sáng tạo. Khu Công viên Khoa học và Công nghệ TP.HCM tại phường Long Phước, rộng 194,8 ha, sẽ là nơi phục vụ nghiên cứu, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và đào tạo nhân lực.

Bên cạnh đó, TP Thủ Đức sẽ phát triển 4 trung tâm logistics tích hợp cảng cạn tại Long Bình, Cát Lái, Linh Trung và Khu Công nghệ cao với tổng diện tích 400 - 450 ha. Hệ thống bến xe, bến hàng hóa và giao thông kết nối được quy hoạch chi tiết để đảm bảo khả năng kết nối quốc gia và quốc tế.

Không gian TP Thủ Đức được chia thành 9 khu vực, mỗi khu vực có tính chất phát triển riêng biệt. Khu vực Thủ Thiêm sẽ là trung tâm tài chính, thương mại dịch vụ và văn hóa của TP.HCM, có vị thế quốc tế. Khu Trường Thọ được định hướng trở thành trung tâm hành chính, cửa ngõ của thành phố, gắn với các dịch vụ thương mại và du lịch.

Khu Long Bình, với vai trò cửa ngõ phía Đông, sẽ phát triển công nghiệp cảng và dịch vụ hậu cần gắn với sông Đồng Nai, đồng thời là trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí. Khu Long Phước tập trung vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao gắn với nghiên cứu và đào tạo, kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Các khu vực khác như Cát Lái, Bình Trưng Tây và An Phú sẽ là trung tâm logistics, kết nối các khu vực động lực như cảng và trung tâm tài chính Thủ Thiêm. Từng phân vùng đều được quy hoạch chặt chẽ, bảo đảm phát triển đồng bộ và bền vững.

Với định hướng phát triển toàn diện, TP Thủ Đức không chỉ đóng vai trò là trung tâm kinh tế của TP.HCM mà còn hướng tới trở thành đô thị kiểu mẫu tại khu vực Đông Nam Á. Quy hoạch đặt mục tiêu xây dựng thành phố thành nơi đáng sống, hiện đại và thông minh, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Việc phê duyệt đồ án quy hoạch TP Thủ Đức là bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho thành phố và toàn khu vực phía Đông TP.HCM. Đây hứa hẹn sẽ là một động lực mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của TP.HCM và cả nước trong tương lai.

TP. Thủ Đức được thành lập vào năm 2020 theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Hiện nay, Thủ Đức là thành phố đầu tiên thuộc loại hình đơn vị hành chính thành phố trực thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, với diện tích hơn 210km2 và dân số trên 1 triệu người.

>> Thành phố duy nhất của Việt Nam được đặt theo tên một người phụ nữ: Thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phấn đầu trở thành đô thị loại 1 trong năm sau

Chiêm ngưỡng công viên 10ha vừa đi vào hoạt động ở thành phố trong thành phố đầu tiên của Việt Nam

Sau 5 năm nữa, TP. HCM sẽ có ‘thành phố trong thành phố’ thứ hai

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/thanh-pho-trong-thanh-pho-dau-tien-cua-viet-nam-se-thanh-do-thi-sang-tao-dan-dat-kinh-te-trong-15-nam-toi-135310.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thành phố trong thành phố đầu tiên của Việt Nam sẽ thành đô thị sáng tạo, dẫn dắt kinh tế trong 15 năm tới
    POWERED BY ONECMS & INTECH