Thành phố duy nhất của Việt Nam được đặt theo tên một người phụ nữ: Thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phấn đầu trở thành đô thị loại 1 trong năm sau
Sau 30 năm hình thành và phát triển, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu, từ chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế, đến nâng cao đời sống nhân dân.
Thành phố duy nhất được đặt theo tên người phụ nữ có thật
Bà Rịa là thành phố thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cách TP Hồ Chí Minh 90km về Đông Nam và TP Vũng Tàu 20km về Đông Bắc, có vị trí địa lý thuận lợi: phía Bắc giáp huyện Châu Đức và huyện Tân Thành, phía Nam giáp TP Vũng Tàu, phía Đông giáp huyện Long Điền và Đất Đỏ, phía Tây giáp huyện Tân Thành.
Theo Cổng thông tin điện tử TP Bà Rịa, đây là vùng đất được người Việt khai phá từ rất sớm, trước khi Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý. Năm 1832, Gia Long chia Gia Định trấn thành 5 trấn, trong đó Biên Hòa được đổi thành tỉnh và đến năm 1837, vua Minh Mạng lập phủ Phước Tuy với phủ lỵ đặt tại Bà Rịa. Khu vực này nhanh chóng trở thành trung tâm hành chính quan trọng.
Thời Pháp thuộc, Bà Rịa thuộc hạt Biên Hòa, sau đó trở thành hạt Bà Rịa vào năm 1862. Đến năm 1930, địa hạt này có hai quận Long Điền và Đất Đỏ. Trước 1975, Bà Rịa chỉ là xã Phước Lễ, đóng vai trò quận lỵ Long Lễ kiêm tỉnh lỵ Phước Tuy. Ngày 8/12/1982, thị trấn Bà Rịa được thành lập từ xã Phước Lễ. Năm 1994, thị xã Bà Rịa ra đời theo nghị định số 45/CP của Chính phủ.
Trải qua 19 năm phát triển, Bà Rịa ngày càng hiện đại, trở thành đô thị tỉnh lỵ khang trang của Bà Rịa - Vũng Tàu. Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu, từ chỉnh trang đô thị, phát triển kinh tế, đến nâng cao đời sống nhân dân. Những nỗ lực này được ghi nhận bằng các danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (2001), danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang (2001), Huân chương Lao động hạng Nhì (2003), danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2007), và Huân chương Lao động hạng Nhất (2008). Năm 2007, Bà Rịa được công nhận là đô thị loại III và đến năm 2010, được công nhận là thị xã văn hóa.
Ngày 2/5/2012, trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh chuyển từ TP Vũng Tàu về thị xã Bà Rịa. Ngày 22/8/2012, Chính phủ ban hành nghị quyết thành lập TP Bà Rịa, với diện tích tự nhiên 9.146,5 ha, dân số 122.424 người, gồm 8 phường (Phước Hưng, Phước Trung, Phước Hiệp, Phước Nguyên, Long Hương, Long Toàn, Kim Dinh, Long Tâm) và 3 xã (Hòa Long, Long Phước, Tân Hưng).
Tên gọi "Bà Rịa" gắn liền với câu chuyện về người phụ nữ có công lớn trong quá trình khai phá vùng đất Long Điền - Xuyên Mộc thời Chúa Nguyễn Phúc Tần. Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, mộ và miếu thờ Bà Rịa tại xã Tam Phước, huyện Long Điền, là điểm tham quan thu hút khách du lịch.
“Theo sử sách, Bà Rịa đã góp công sửa chữa cầu cống, đường sá hư hỏng do bão lũ, hỗ trợ đoàn quân của Nguyễn Hữu Cảnh hoàn thành nhiệm vụ mở đất phương Nam. Bà được Chúa Nguyễn Phúc Chu phong tước Hàm Nghè, ban họ nhà Chúa, mang tên Nguyễn Thị Rịa”. Những công lao lớn lao này giúp bà được hậu thế kính trọng như biểu tượng của vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phấn đấu trở thành đô thị loại 1 trong năm 2025
Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh đặt mục tiêu phát triển toàn diện, trở thành động lực kinh tế hàng đầu Đông Nam Bộ, trung tâm kinh tế biển quốc gia, và nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về kinh tế biển.
Đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu hướng tới đạt chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương, với mô hình đô thị đa trung tâm và hạ tầng giao thông hiện đại. Tỉnh cũng cam kết duy trì vị trí top 10 địa phương dẫn đầu về GRDP và thu ngân sách nhà nước.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, đặc biệt là các công trình trọng điểm kết nối quốc lộ, tỉnh lộ với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông kêu gọi tận dụng hiệu quả hệ thống giao thông hiện có và đề xuất thêm các dự án mới để nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Theo Chủ tịch UBND Trần Thanh Dũng, TP Bà Rịa đặt mục tiêu trở thành đô thị loại 1 vào năm 2025. Thành phố tập trung phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp giá trị cao, và nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới, đảm bảo bền vững. Trong năm 2024, TP Bà Rịa đã hoàn thành vượt mức 32/32 chỉ tiêu, với thu ngân sách ước đạt 1.921 tỷ đồng (111,64% kế hoạch) và tổng vốn đầu tư xã hội 1.400 tỷ đồng (111,39% kế hoạch). Đặc biệt, thành phố không còn hộ nghèo hay cận nghèo theo chuẩn quốc gia.
>> Thành phố lần thứ 3 liên tiếp lọt top đảo tuyệt vời nhất thế giới sắp lên đô thị loại 1