'Tháp nước của châu Á' ngày càng bành trướng, nguy cơ nhấn chìm hơn 1.000km đường sá

04-06-2024 10:17|Quỳnh Vân

Một nghiên cứu mới đây đã dự đoán tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực này có thể gây thiệt hại khoảng 2,7 tỷ USD đến 6,9 tỷ USD.

Đến cuối thế kỷ này, một số hồ trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng được dự đoán có thể mở rộng diện tích lên hơn 50% - trong khi các hồ nước khác trên thế giới co lại, theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Cao nguyên Tây Tạng (ITP) và Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS).

SCMP cho hay, nghiên cứu được dẫn đầu bởi ông Zhang Guoqing từ ITP và đã công bố trên tạp chí Nature Geoscience vào tháng trước.

Theo nghiên cứu, khối lượng nước của các hồ ở cao nguyên phía Tây Nam Trung Quốc ước tính sẽ tăng hơn 600 tỷ tấn, phần lớn do khí hậu nóng lên gây ra mưa nhiều cũng như hiện tượng nước sông băng tan.

'Tháp nước của châu Á' ngày càng bành trướng, nguy cơ nhấn chìm hơn 1.000km đường sá
Các hồ trên cao nguyên Tây Tạng sẽ mở rộng thêm 50% vào năm 2100 do biến đổi khí hậu. Ảnh: SCMP

Nếu những dự đoán này là chính xác, nó sẽ có tác động kinh tế lên tới hàng tỷ USD đối với Trung Quốc.

Cao nguyên Tây Tạng là nơi có rất nhiều hồ nước đóng vai trò quan trọng trong các chu trình thủy văn và sinh địa hóa của khu vực.

Kết quả của nghiên cứu cho thấy, đến năm 2100, trong trường hợp lượng khí phát thải thấp, các hồ nội sinh trên cao nguyên Tây Tạng sẽ chiếm thêm 20.000km2 diện tích bề mặt trong khi mực nước tăng 10m so với năm 2020.

Được biết các hồ có nguồn gốc nội sinh, còn được gọi là hồ kín, không có đường dẫn thoát nước.

Trong khi đó, tổng lượng nước dự trữ sẽ tăng gấp 4 lần lên 652 tỷ tấn so với mức trước đó tại khu vực này trong 50 năm qua.

Nếu không thực hiện các bước giảm thiểu rủi ro, “hơn 1.000km đường sá, khoảng 500 khu định cư và khoảng 10.000km2 hệ sinh thái như đồng cỏ, vùng trũng và đất trồng trọt” sẽ bị ngập trong nước.

'Tháp nước của châu Á' ngày càng bành trướng, nguy cơ nhấn chìm hơn 1.000km đường sá
Nhóm nghiên cứu đã phát triển một khung mô hình dựa trên dữ liệu để dự đoán những thay đổi trong tương lai ở khu vực này. Nguồn: Global Times

Khu vực Thanh Hải-Tây Tạng, được mệnh danh là “Tháp nước của châu Á”, là cao nguyên cao nhất và lớn nhất thế giới - nơi sở hữu hơn 1.000 hồ với trữ lượng nước lớn ở cả dạng lỏng và dạng băng.

Ông Zhang nhận định: “Đây là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, là tín hiệu cảnh báo sớm về những tác động to lớn hơn của hiện tượng nóng lên toàn cầu”.

Trong khi các hồ lớn ở những nơi khác trên thế giới phải đối mặt với tình trạng suy giảm trữ lượng nước vì nhiệt độ tăng và hoạt động của con người, thì hồ ở cao nguyên lại mở rộng trong những thập kỷ gần đây do thời tiết ấm và môi trường ẩm ướt hơn.

Ở phía Bắc cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng, dự kiến ​​tổng diện tích hồ sẽ tăng gấp đôi – mức tăng lớn nhất trên toàn cao nguyên. Các hồ ở phía Đông Nam, Tây Bắc và trung tâm cao nguyên cũng mở rộng đáng kể.

Hồ lớn nhất ở khu tự trị Tây Tạng - hồ Siling - có thể chứng kiến ​​lượng nước tăng thêm khoảng 66 tỷ tấn - tương đương 800km2 diện tích hồ.

Mặc dù phần phía Bắc được dự đoán có lượng nước dự trữ tăng mạnh nhất, nhưng các con đường ở phía Đông Bắc - nơi có nhiều hoạt động của con người cùng các cơ sở hạ tầng - là khu vực dễ bị ngập lụt nhất.

'Tháp nước của châu Á' ngày càng bành trướng, nguy cơ nhấn chìm hơn 1.000km đường sá
Các nhà khoa học đang kêu gọi hành động cấp thiết để bảo vệ người dân và hệ sinh thái khu vực khỏi những tác động này. Ảnh: SCMP

Ước tính đường sá bị ngập có thể trực tiếp dẫn đến thiệt hại kinh tế từ 20 tỷ NDT đến 50 tỷ NDT (2,7 tỷ USD đến 6,9 tỷ USD) vào cuối thế kỷ này.

Nhóm của Zhang cảnh báo: “Đây là một mối đe dọa nghiêm trọng cần được xem xét trong các kế hoạch về đường bộ và đường sắt tương lai”.

Thêm vào đó, có rất nhiều làng mạc và chuồng chăn nuôi nằm cạnh các hồ trên cao nguyên. Đến cuối thế kỷ này, 615 khu định cư của con người có thể bị nước nhấn chìm hoàn toàn.

Hơn 500.000 vật nuôi cũng bị ảnh hưởng và tình trạng ngập lụt thảo nguyên đồng nghĩa với việc sản lượng chăn nuôi ít hơn, ảnh hưởng lớn đến sinh kế của những người chăn nuôi địa phương và làm trầm trọng thêm mức độ nghèo đói.

Ngoài ra, khi diện tích hồ mở rộng, còn có mối lo ngại về lượng khí thải nhà kính gia tăng, bao gồm cả CO2 và metan, vào khí quyển.

Điều này tạo ra một vòng lặp, trong đó lượng khí thải tăng lên sẽ gây ra hiện tượng nóng lên nhiều hơn, từ đó khiến hồ tiếp tục mở rộng trên cao nguyên.

Do đó, tình trạng này đặt ra những thách thức đối với cơ sở hạ tầng hiện có và theo kế hoạch, cũng như cộng đồng người dân. Đồng thời, chúng đòi hỏi chính quyền phải thực hiện khẩn cấp các chiến lược quản lý bền vững và thích ứng hiệu quả để giảm thiểu tác động kinh tế xã hội.

>> Siêu đô thị 10 triệu người đang chìm, láng giềng Việt Nam lên kế hoạch di dời khẩn cấp

Ngôi làng cổ 300 năm tuổi bất ngờ 'nổi trở lại' giữa lòng siêu đập sau hàng chục năm bị nhấn chìm

Siêu đập thủy điện tỷ USD nhấn chìm thành phố cổ 12.000 năm tuổi, 'nuốt gọn' toàn bộ 'kho báu' quốc gia

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thap-nuoc-cua-chau-a-ngay-cang-banh-truong-nguy-co-nhan-chim-hon-1000km-duong-sa-237283.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
'Tháp nước của châu Á' ngày càng bành trướng, nguy cơ nhấn chìm hơn 1.000km đường sá
POWERED BY ONECMS & INTECH