Thế giới

Giang hồ part-time: Tokuryū, mối đe dọa mới thay thế yakuza trong lòng xã hội Nhật Bản?

Kiều Trang 13/07/2025 16:40

Tokuryū – các nhóm tội phạm hoạt động ẩn danh và linh hoạt – đang trỗi dậy mạnh mẽ tại Nhật Bản. Chúng chiêu mộ người qua mạng xã hội, thực hiện các phi vụ lừa đảo, trộm cắp và tội phạm xuyên biên giới.

Sự trỗi dậy của tokuryū thay thế yakuza?

Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã ban hành hàng loạt đạo luật và quy định nhằm trấn áp tội phạm có tổ chức, buộc các băng nhóm yakuza phải rút vào hoạt động ngầm. Tuy nhiên, khoảng trống mà yakuza để lại đang bị thế chỗ bởi một hình thái tội phạm mới: tokuryū – những “giang hồ part-time” hoạt động ẩn danh, không có cấu trúc tổ chức rõ ràng, và đang dần len lỏi vào tầng lớp dân thường.

Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản (NPA) đã đặt ra thuật ngữ tokuryū, kết hợp giữa tokumei (ẩn danh) và ryūdo (linh hoạt), để mô tả các cá nhân tham gia vào tội phạm bán tổ chức và các công việc bất hợp pháp này. Họ thường không biết đến nhau và có khả năng tan rã rồi tái cấu trúc rất nhanh.

Một số cá nhân thuộc nhóm tokuryū vẫn có mối liên hệ tài chính với yakuza truyền thống, chia sẻ lợi nhuận với các tổ chức này, theo NPA cho biết.

Làn sóng làm thêm bất hợp phá và giới trẻ bị lôi kéo

Một trong những biểu hiện rõ nét nhất cho sự trỗi dậy của tokuryū là sự xuất hiện của các công việc làm thêm bất hợp pháp (yami baito), nơi giới trẻ bị lôi kéo tham gia vào các hoạt động phạm pháp. Họ bị dụ dỗ bởi lời hứa về thu nhập cao trên mạng xã hội, khiến ranh giới giữa thế giới tội phạm và đời sống thường nhật ngày càng trở nên mờ nhạt.

ya.jpg
Cảnh sát đưa Kirato Wakayama, nghi phạm 20 tuổi trong vụ án các thi thể bị thiêu cháy được tìm thấy trên lòng sông ở Nasu, tỉnh Tochigi, đến các công tố viên ở Tokyo. Những nỗ lực xác định thủ phạm chính trong vụ án này rất khó khăn, vì các nghi phạm dường như không có mối liên hệ chặt chẽ nào với nhau. (Ảnh: The Japan Times)

Theo ông Noboru Hirosue – nhà nghiên cứu tội phạm học tại Đại học Ryukoku và cựu cán bộ quản chế Bộ Tư pháp – nhiều người bị dụ dỗ không có tiền án tiền sự, nhưng vì khó khăn tài chính và khả năng thuyết phục của người tuyển dụng, họ vẫn sa vào tội phạm. Các tuyển dụng viên thường yêu cầu gửi ảnh CMND/CCCD dưới danh nghĩa "phỏng vấn", nhưng thực chất nhằm thu thập dữ liệu để đe dọa, ép buộc họ tiếp tục làm việc.

Một khi đã bước chân vào, rất khó để rút lui do bị khống chế bằng đe dọa đến cá nhân và gia đình.

Cấu trúc tội phạm mới: ẩn danh và linh hoạt

Khác với yakuza – vốn có hệ thống phân cấp nghiêm ngặt và bộ quy tắc nội bộ – tokuryū vận hành theo mô hình hình tháp bốn tầng phi tập trung:

  • Tầng 1: Kẻ chủ mưu đứng sau, giấu mặt.
  • Tầng 2: Người điều phối thực thi kế hoạch (ringleaders).
  • Tầng 3: Tuyển dụng viên (kakeko), lôi kéo người qua mạng.
  • Tầng 4: Người thực hiện (ukeko), trực tiếp phạm tội.

Lợi nhuận bất hợp pháp chủ yếu rơi vào tay những kẻ ở đỉnh kim tự tháp, vốn có liên hệ với tội phạm truyền thống. Sau mỗi phi vụ, nhóm nhanh chóng tan rã và hình thành nhóm mới – điều này khiến việc truy vết và nhận diện tổ chức cực kỳ khó khăn.

Tội phạm mở rộng phạm vi địa lý và lĩnh vực

Kể từ tháng 8/2024, khu vực thủ đô Tokyo chứng kiến sự gia tăng mạnh các vụ cướp bóc do tokuryū thực hiện. Điển hình là vụ sát hại cụ ông 75 tuổi ở tỉnh Kanagawa. Trước đó, từ năm 2022, truyền thông đã ghi nhận sự xuất hiện của nhóm “Luffy” – đường dây lừa đảo điều hành từ Philippines, dùng ứng dụng mã hóa Telegram để điều khiển hoạt động tại Nhật và chiếm đoạt hàng tỷ yên.

Tokuryū hoạt động đa dạng: lừa đảo thẻ tín dụng, cho vay nặng lãi, buôn bán ma túy, đánh bắt cá trái phép. Chúng trộm cắp mọi thứ có thể bán được: bonsai, dây đồng, nắp cống. Một số nhóm còn dụ dỗ phụ nữ mắc nợ ở các quán host club rồi ép buộc họ vào con đường mại dâm để trả nợ.

Thành phần tokuryū rất đa dạng – từ người Nhật, người nước ngoài (Trung Quốc, Campuchia…), đến cả người không thuộc bất kỳ tổ chức nào. Một số nhóm yakuza truyền thống đang dần chuyển sang chiến lược tokuryū hoặc liên kết với các mạng lưới mới để duy trì hoạt động.

Tội phạm xuyên biên giới và trung tâm lừa đảo nước ngoài

Ngày nay, công nghệ cho phép các nhóm tội phạm điều hành từ nước ngoài. Một đối tượng gọi điện lừa đảo từ Trung Quốc cho biết anh ta yên tâm vì hoạt động ngoài phạm vi pháp lý của cảnh sát Nhật.

Năm 2024, một trại lừa đảo tại Myanmar điều hành bởi tội phạm Trung Quốc bị phát hiện – nơi này giam giữ hơn 7.000 người, ép họ gọi điện lừa đảo trong điều kiện tồi tệ, đánh đập nếu không đạt chỉ tiêu. Trong số người được giải cứu có một thiếu niên Nhật Bản bị dụ đi làm việc bằng lời hứa “dùng kỹ năng công nghệ để kiếm tiền ở nước ngoài”.

Ngoài ra, nhiều trung tâm như vậy tồn tại ở Đông Nam Á – đặc biệt ở khu vực chính quyền yếu kém. Tokuryū Trung Quốc thường tạo website đầu tư giả mạo để lừa đảo. Chỉ riêng năm 2024, người Nhật đã thiệt hại khoảng 87,1 tỷ yên vì các chiêu trò này. Chúng còn dùng hình thức phishing – email giả mạo công ty lớn – để đánh cắp dữ liệu và dùng vào mua bán hàng hóa trái phép.

Nỗ lực trấn áp và cảnh báo từ chuyên gia

Để tăng cường trấn áp tokuryū, từ tháng 4/2025, NPA thành lập lực lượng điều tra chung gồm 500 điều tra viên tại 7 tỉnh trọng điểm về tội phạm – Tokyo, Saitama, Chiba, Kanagawa, Aichi, Osaka và Fukuoka. Ủy viên Cảnh sát trưởng Yasuhiro Tsuyuki nhấn mạnh rằng truy vết tội phạm xuyên vùng là thách thức lớn, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị cảnh sát.

Từ tháng 9/2021 đến tháng 2/2025, hơn 10.000 người bị bắt giữ được xếp loại là tokuryū, trong đó:

  • 6.170 người bị nghi lừa đảo
  • 2.292 người liên quan đến ma túy
  • 1.721 người bị nghi hỗ trợ “hạ tầng tội phạm”
  • 195 người bị bắt vì trộm cắp, cướp bóc, chủ yếu được tuyển qua Internet

Tuy nhiên, việc truy tìm kẻ cầm đầu vẫn cực kỳ khó khăn vì chúng dùng điện thoại dùng một lần, số ảo, và mạng mã hóa khiến ngay cả người thực hiện cũng không biết mình đang phục vụ ai.

“Trong hầu hết các vụ án, những kẻ cầm đầu không bao giờ bị bắt. Cảnh sát chỉ bắt được người trực tiếp thực hiện”, ông Hirosue nói. “Lần này, cảnh sát quyết định phân loại tokuryū thành nhóm riêng biệt và chia vai trò để lần ngược ra kẻ chủ mưu”.

Có thể thấy, tokuryū đang trở thành một thách thức an ninh mới, biến ảo, đa quốc gia và khó truy vết. Cách tốt nhất để không trở thành nạn nhân hoặc bị lợi dụng là luôn cảnh giác với các công việc “kiếm tiền dễ dàng”, đồng thời nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ thông tin cá nhân trong thời đại số.

Theo The Japan Times, Nippon

>> Quốc gia châu Á tỏa sáng, trở thành 'nam châm' thu hút giới tỷ phú toàn cầu

'Bóng ma Nhật Bản' thập niên 1990 bất ngờ bao trùm kinh tế Trung Quốc, chuyện gì đã xảy ra?

Quần đảo ở Nhật Bản rung chuyển vì chịu hơn 900 trận động đất liên tiếp

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/giang-ho-parttime-tokuryu-moi-de-doa-moi-thay-the-yakuza-trong-long-xa-hoi-nhat-ban-143847.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Giang hồ part-time: Tokuryū, mối đe dọa mới thay thế yakuza trong lòng xã hội Nhật Bản?
    POWERED BY ONECMS & INTECH