Thấp thỏm mất nước, mất điện vì thời tiết cực đoan

30-05-2023 16:19|Mai Am

Mùa hè năm nay được giới chuyên gia dự báo sẽ vô cùng khắc nghiệt với nắng nóng gay gắt trên nền nhiệt cao và khô hạn diện rộng. Tình trạng thiếu hụt nguồn nước do các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể đe dọa trực tiếp đến sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân tại Thủ đô Hà Nội.

brown-travel-flyer-landscape-2-6517.png

Khổ gì hơn mất nước

Nguyễn Xuân Tùng, sinh viên Đại học Y Dược (ĐHQGHN) đã phải thở ngắn than dài khi kể về việc bản thân phải chuyển tới 3 khu trọ trong một năm học chỉ vì thiếu nước.

Là một trong 2000 sinh viên đầu tiên học tập tại cơ sở mới của ĐHQGHN, theo nhận định của Tùng, chất lượng các dãy trọ và tiền thuê nhà ở khu vực Láng - Hòa Lạc (Thạch Thất) không có gì đáng phàn nàn. Tuy nhiên tình trạng mất nước thường xuyên đã trở thành nỗi phiền toái, ám ảnh cậu sinh viên năm nhất và bạn bè sau mỗi giờ lên giảng đường.

Chia sẻ về cuộc vật lộn để có nước, Tùng kể: “Mỗi ngày phòng phải cử ra một người chuyên lo canh nước. Vừa học, vừa để ý khi nào xe cấp nước đến để hứng đầy thùng phi 35 lít cùng hai cái thau trong phòng, nếu không nhanh các phòng khác sẽ hứng hết nước. Có nước thì cũng phải nghĩ cách tái sử dụng sao cho tiết kiệm nhất. Ngày nào bận thi cử, chúng em xác định mất khoảng 40.000 đồng cho một bình nước đóng chai 20 lít”.

Lý giải tình trạng khan hiếm nước nêu trên, bà Vũ Thị Nguyện (xã Bình Yên, Thạch Thất), chủ khu trọ nơi Tùng và các bạn đang sinh sống cho biết, hiện tại một số xã xung quanh hai trường đại học lớn là ĐHQGHN và trường Đại học FPT vẫn chưa được sử dụng hệ thống nước máy thành phố. Nguồn nước của các hộ, nếu có, chỉ từ nguồn giếng khoan và nước mưa tích trữ.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, không để thiếu nước cho sinh hoạt, thủy điện và ảnh hưởng tới sản xuất, nhất là đối với các lĩnh vực trọng yếu.

Dù vậy, nguồn nước tự nhiên này thường cạn kiệt trong cao điểm mùa khô từ tháng 11 năm trước đến khoảng tháng 5, 6 năm sau. Để có nước sinh hoạt và cho thuê trọ, các chủ hộ phải gọi những xe téc cấp nước có giá dao động từ 500.000 - 700.000 đồng/xe 5m3. Với những khu trọ khoảng trên dưới 20 phòng, mỗi ngày cần ít nhất một xe như vậy mới có thể đáp ứng nhu cầu về nước.

“Không mua thì không ai thuê trọ, nhưng mua nước đồng nghĩa mua thua lỗ. Tiền tôi thu của các cháu vẫn vậy mà một tháng mất đến vài chục triệu mua nước thì rất khó duy trì. Nghe nói năm nay còn thiếu nước hơn năm trước, tôi chưa biết phải tính thế nào”, bà Nguyện lo lắng.

Ngay ngáy nỗi lo thiếu nước

Dự báo hè năm nay nền nhiệt độ sẽ cao hơn nhiều so với trung bình mọi năm. Nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân qua đó cũng tăng cao. Theo nhận định của một số chuyên gia, nhiều khả năng nguồn cấp nước sinh hoạt của Thủ đô không đáp ứng đủ, khiến hàng loạt quận, huyện ngoại thành như Hà Đông, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức… có thể rơi vào tình trạng thiếu nước sạch.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất nước cục bộ nói trên. Trong đó, chủ yếu do Nhà máy nước mặt sông Hồng giai đoạn I với công suất 300.000m3/ngày đêm chưa hoàn thành; giá bán buôn nước mặt sông Đuống cao hơn nước mặt sông Đà nên Công ty Vinaco tập trung khai thác nhà máy này dẫn tới những khu vực có cốt địa hình cao như Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức thiếu nguồn ở điều kiện bình thường.

Ngoài ra, tình trạng thiếu nước còn do một số xã, thôn chưa kết nối với hệ thống cấp nước sạch thành phố bởi hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng hoặc chưa tìm được nhà đầu tư mua nước. Ví dụ, theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn huyện Thạch Thất hiện còn 11 trên 23 xã chưa có hệ thống cung cấp nước sạch tập trung, trong đó bao gồm cả các xã xung quanh các trường: ĐHQGHN, Đại học FPT.Dù đường ống nước sạch sông Đà ở ngay gần nhưng chưa đấu nước được cho bà con là bởi chưa tìm được nhà đầu tư mua nước của sông Đà về để phân phối cho người dân. Hiện Sở đã có phương án xin UBND TP Hà Nội cho công ty này mở rộng vùng cấp nước ra các xã xung quanh các trường đại học.

Tại miền Bắc, các nhà máy thuỷ điện lớn nhất như Sơn La, Lai Châu, Hoà Bình, Tuyên Quang… mực nước đang ở mức thấp. Thuỷ điện Sơn La ngày 7/5 ở mức 181m, cao hơn mực nước chết 6m và thấp hơn mực nước dâng bình thường 33m. Thuỷ điện Lai Châu cũng ở tình trạng thiếu nước khi mực nước trong hồ ở mức 267m và xấp xỉ ở mực nước chết. Tình trạng thiếu nước cũng được ghi nhận ở hàng loạt thuỷ điện tại miền Trung và Tây Nguyên, như Đại Ninh, Trị An, Đak R’Tih, Sông Côn 2…

Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, tổng nhu cầu sử dụng nước trung bình hiện nay trên địa bàn Hà Nội khoảng 1.125.000m3 đến 1.150.000m3/ngày đêm. Với nhu cầu sử dụng nước sạch tăng khoảng từ 5 – 10%, dự kiến cao điểm nắng nóng mùa hè năm nay, nhu cầu sử dụng nước của người dân sẽ từ 1.250.000m3 đến 1.350.000m3/ngày đêm.

Để bảo đảm cấp nước sạch hè 2023, Sở đã yêu cầu các đơn vị cấp nước bảo đảm duy trì, vận hành tối đa công suất các nhà máy nước, trạm cấp nước; phân bổ, điều tiết nguồn nước bảo đảm hài hòa giữa nguồn cấp và nhu cầu cũng như khả năng tiếp cận của từng khu vực. Đồng thời, thường xuyên tuần tra, kiểm tra, phát hiện và sẵn sàng, kịp thời sửa chữa, khắc phục các sự cố rò rỉ, vỡ ống, đặc biệt là tuyến truyền dẫn nước sạch sông Đà số 1 hiện có.

Các nhà máy thủy điện lên “cơn khát”

Bên cạnh tình trạng thiếu nước sạch, cắt điện cũng là nỗi lo thường trực của các hộ gia đình và công sở trong mùa hè. Theo TS. Nguyễn Ngọc Huy, Giảng viên chương trình thạc sĩ Biến đổi khí hậu, Đại học Việt-Nhật (ĐHQGHN) các năm trước nhờ hiện tượng La Niña, mưa nhiều, công suất thủy điện không bị ảnh hưởng, nguồn trữ nước làm thủy điện không chịu nhiều áp lực.

Tuy nhiên vào năm 2023, El Niño có thể làm lượng mưa sụt giảm từ 10 - 15%, khiến nguồn nước bổ sung cho hồ chứa ít đi. Trong khi đó, nguồn nước dự trữ không chỉ phục vụ để chạy điện mà còn dùng để phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp… nên nguy cơ thiếu nước phát điện, đặc biệt tại khu vực thủy điện phía Bắc rất lớn.

Đứng trước nỗi lo thiếu nước phát điện, quá tải điện trong các tháng cao điểm nắng nóng của mùa hè năm 2023, trong báo cáo của EVN cho thấy có thể xảy ra các tình huống cực đoan như: công suất cực đại (Pmax) ở miền Bắc tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2022 (những ngày nắng nóng kéo dài); sự cố tổ máy hoặc chậm tiến độ sửa chữa, đưa vào vận hành nguồn mới; mức nước tại các hồ thủy điện lớn giảm sâu...

Khi đó, hệ thống điện miền Bắc sẽ có tình trạng “rất khó khăn về nguồn điện” trong các tháng 5 và 6, nhất là vào các giờ tiêu thụ điện cao điểm. Nếu tình trạng hạn hán nghiêm trọng trên diện rộng, không có lũ hoặc lũ về ở mức thấp thì tình hình cung cấp điện có thể tiếp tục còn khó khăn trong các tháng tiếp theo.

Để ứng phó với tình hình khó khăn trong vận hành điện năm nay, EVN tiếp tục đề nghị người dân triệt để sử dụng điện tiết kiệm, nhất là vào các giờ cao điểm trưa và tối. Còn theo các chuyên gia kinh tế, để sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm hơn, người dân và các doanh nghiệp chủ động chuyển đổi sang năng lượng xanh, sử dụng các thiết bị, máy móc tiêu hao ít năng lượng hơn… trong bối cảnh giá điện vừa được điều chỉnh tăng 3% kể từ ngày 4-5 vừa qua, để tránh tình trạng hóa đơn tiền điện tăng vọt.

Khúc gỗ nổi trên mặt nước hơn 120 năm không phân hủy, mục ruỗng, được cho là có khả năng ‘điều khiển thời tiết’

Cảng hàng lỏng lớn nhất Việt Nam được giao thêm 11,42ha mặt nước biển

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/thap-thom-mat-nuoc-mat-dien-vi-thoi-tiet-cuc-doan-post134758.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thấp thỏm mất nước, mất điện vì thời tiết cực đoan
    POWERED BY ONECMS & INTECH