'Thể chế' vang vọng nghị trường
Sáng 21/10, trên nghị trường Quốc hội vang vọng lên hai chữ “thể chế”. Từ phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, cho đến phát biểu khai mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, và báo cáo kinh tế - xã hội do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày, hai chữ “thể chế” đều được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần.
“Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn””, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu. Từ đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp “dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khi phát biểu cũng khẳng định, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế; đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật.
Còn Thủ tướng Phạm Minh Chính khi trình bày báo cáo kinh tế- xã hội, bên cạnh những mặt tích cực trong công tác xây dựng thể chế, đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của công tác này. Đó là thể chế, pháp luật còn nhiều vướng mắc; việc phân cấp, phân quyền còn nhiều bất cập, vẫn tập trung nhiều ở Trung ương, vẫn còn tình trạng “chưa đúng vai thuộc bài”.
Do đó, trong 11 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2025 được nêu ra, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển với tư duy đổi mới “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới” tạo khung khổ pháp lý để huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.
Thời gian qua, công tác xây dựng thể chế đã có nhiều đổi mới, mở đường cho sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì công tác xây dựng thể chế, xây dựng pháp luật vẫn còn những hạn chế nhất định. Tư duy “không quản được thì cấm” đâu đó vẫn còn, dẫn đến gây khó khăn cho đầu tư, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Một số quy định trong luật khi được ban hành còn cứng nhắc dẫn đến trở thành “xiềng xích” khó thực hiện, nhất là khi thựctiễn phát sinh những vấn đề mới. Vậy nên, ở các kỳ họp trước đây, nhiều đại biểu đã bày tỏ mong muốn có những “cao tốc” trong cải cách thể chế để không chỉ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, mở ra các động lực mới, đột phá mới cho kinh tế- xã hội.
Có thể nói, thể chế nói chung và pháp luật nói riêng được coi là bộ khung để tạo ra sự đột phá và phát triển. Thể chế tốt không chỉ tạo ra động lực cho phát triển mà còn bảo đảm sự minh bạch, công bằng, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực, xin – cho. Hai chữ “thể chế” vang vọng lên ngay trong ngày đầu của kỳ họp đã tạo ra niềm tin, sự hứng khởi, không chỉ ở nghị trường mà còn ở cả bên ngoài phòng họp.
“Hãy thắp lên ngọn lửa quyết tâm mãnh liệt, cùng nhau tiến bước để xây dựng tương lai tươi sáng cho đất nước. Những nỗ lực không ngừng nghỉ hôm nay sẽ là nền tảng vững chắc cho sự thịnh vượng ngày mai, vì thế hệ tương lai như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trước Quốc hội.