Nga, Brazil ồ ạt gửi hàng trăm nghìn tấn ‘báu vật’ nông sản vào Việt Nam với thuế 0%, nước ta lọt top 10 tiêu thụ nhiều nhất thế giới
Nguyên liệu thiết yếu của ngành chăn nuôi và thực phẩm này đang được các “ông lớn” như Nga, Brazil gửi tới Việt Nam với thuế nhập khẩu bằng 0%.
Theo số liệu mới nhất của Cục Hải quan, chỉ trong tháng 6/2025, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 321.000 tấn lúa mì, trị giá 88,3 triệu USD. Mức giá trung bình đạt 274 USD/tấn, tăng nhẹ 1,6% so với tháng trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lượng lúa mì nhập khẩu đạt hơn 3,06 triệu tấn, tương đương 817,3 triệu USD, dù giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2024, nhưng Việt Nam vẫn duy trì vị trí một trong 10 quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới.
Brazil tiếp tục là nhà cung cấp lớn nhất, chiếm 32% tổng lượng và 31% tổng kim ngạch nhập khẩu lúa mì vào Việt Nam, với gần 989.000 tấn, trị giá hơn 254 triệu USD. Đứng thứ hai là Australia, với gần 750.000 tấn (tương đương 203 triệu USD). Mỹ cũng góp mặt với hơn 380.000 tấn, chiếm khoảng 12% thị phần.
Đáng chú ý, Nga đang tăng tốc trở thành nguồn cung tiềm năng, với hơn 161.000 tấn lúa mì được xuất sang Việt Nam trong nửa đầu năm 2025, tăng tới 196% về lượng và 192% về trị giá so với cùng kỳ. Giá trung bình chỉ 252 USD/tấn, thấp hơn đáng kể mức bình quân, mang lại lợi thế lớn về chi phí cho các doanh nghiệp Việt Nam. Ukraine cũng tiếp tục là nguồn cung quan trọng dù giảm mạnh 65% so với năm ngoái, với gần 188.000 tấn.
Điểm sáng trong chính sách hỗ trợ ngành là việc Chính phủ ban hành Nghị định 101/2021/NĐ-CP, theo đó thuế nhập khẩu MFN với lúa mì đã được giảm từ 3% về 0%, và ngô từ 5% xuống 2%. Điều này giúp các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thực phẩm chế biến tiết giảm chi phí đáng kể, duy trì giá thành ổn định ngay cả trong thời điểm thị trường quốc tế có nhiều biến động.
![]() |
Nga, Brazil ồ ạt gửi hàng trăm nghìn tấn ‘báu vật’ nông sản vào Việt Nam với thuế 0% (Ảnh minh họa) |
Với đặc thù không thể trồng lúa mì do điều kiện khí hậu, Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. Tuy nhiên, việc đa dạng hóa nguồn cung từ Brazil, Australia, Nga, Mỹ… và được hỗ trợ bởi chính sách thuế linh hoạt, giúp chuỗi sản xuất trong nước đảm bảo đầu vào ổn định, hướng tới mục tiêu giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm chế biến.
Trong bối cảnh giá nguyên liệu thế giới đang duy trì ở mức thấp, việc “đón sóng” lúa mì giá rẻ là cơ hội vàng để Việt Nam tiếp tục nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Đây cũng là thời điểm quan trọng để các doanh nghiệp tính toán chiến lược dài hạn, đầu tư công nghệ chế biến sâu, giảm dần phụ thuộc vào nguyên liệu thô, từng bước xây dựng năng lực tự chủ và bền vững hơn cho ngành nông – công nghiệp quốc gia.
Xuất khẩu chững lại, thị trường nội địa ‘cứu’ ngành thép
Xuất hiện cứu tinh cho sầu riêng Việt Nam: Xuất khẩu tăng gấp 3, đến Thái Lan cũng mạnh tay chốt đơn