Sống

Thêm một "kho báu" của Việt Nam được chính thức đẩy mạnh khai thác: Cả thế giới đều đang săn lùng!

Quỳnh Lâm 27/07/2023 - 06:07

Đây là loại nguyên liệu thô cực kỳ quan trọng trong việc sử dụng để phát triển ngành xe điện. Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia có trữ lượng lớn nhất thế giới.

Đất hiếm là một thành phần quan trọng trong rất nhiều lĩnh vực. Nếu như trước kia, loại khoáng sản này chỉ dùng cho điện thoại di động, màn hình máy tính, tivi, ổ cứng máy tính, tai nghe, loa, đèn huỳnh quang, laser, tên lửa, lò hạt nhân; thì nay, đất hiếm là chất không thể thiếu trong xe ô tô điện, pin lưu trữ, tấm pin mặt trời và tua bin gió. Nghĩa là muốn chuyển sang năng lượng xanh, xe ô tô điện thì nhất định phải có đất hiếm.

Loại nguyên liệu quan trọng trong nhiều lĩnh vực

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu từ Đại học KU Leuven ở Bỉ ước tính rằng châu Âu sẽ cần lượng lithium gấp 35 lần và lượng kim loại đất hiếm gấp 7-26 lần so với mức sử dụng hạn chế hiện nay để đáp ứng mục tiêu năng lượng xanh.

Việt Nam sở hữu loại tài nguyên được cả thế giới săn lùng, là chìa khóa phát triển của ngành xe điện
Đất hiếm là loại nguyên liệu thô cực kỳ quan trọng để phát triển công nghiệp xe điện.

Chưa kể trước kia là thời hợp tác kinh tế mở toàn cầu, giờ là thời chiến tranh kinh tế, các cường quốc kinh tế dùng công nghệ và nguyên vật liệu cốt lõi để khống chế và kìm hãm lẫn nhau. Việc Trung Quốc đang chiếm 90% về sản lượng và chiếm 36,7% về trữ lượng đất hiếm toàn cầu thì gần như Trung Quốc đã nắm một cái chốt quan trọng trong nền công nghiệp 4.0.

Nhìn trên toàn thế giới, tổng trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc, Việt Nam, Nga, Brazil và Ấn Độ chiếm đến 90%, trữ lượng của Mỹ và các nước phương Tây chỉ có 8% thôi. Gần đây giá đất hiếm đã tăng vọt lên gần 10 lần so với trước, từ cỡ giá chỉ 14.000 USD/tấn tăng lên 110.000 USD/tấn (Neodymium oxide 66.000 USD/tấn, Oxit Dysposi 274.000 USD/tấn).

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới - ước tính khoảng 22 triệu tấn chỉ đứng sau Trung Quốc (sản lượng 44 triệu tấn). Thử làm một bài toán đơn giản sẽ thấy đất hiếm của Việt Nam có giá trị cao hơn hẳn, nếu tính giá trung bình hiện tại 110.000 USD/tấn, thì đất hiếm của Việt Nam có giá trị lên đến 2.420 tỷ USD, một con số rất có ý nghĩa với sự phát triển kinh tế đất nước.

Tất nhiên đây là giá trị theo tính toán, để khai thác và phát huy được giá trị của tài nguyên này thì chúng ta còn nhiều việc phải làm, nhiều nguồn vốn phải đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư. Có thể nói Việt Nam đang dần trở thành tâm điểm cung cấp đất hiếm mới của thế giới, thu hút sự đầu tư, nghiên cứu của các quốc gia như Hàn Quốc, Canada, Australia, Nhật Bản...

Dự tính khai thác 2 triệu tấn quặng đất hiếm mỗi năm

Tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 866/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việt Nam sở hữu loại tài nguyên được cả thế giới săn lùng, là chìa khóa phát triển của ngành xe điện

Theo đó, đối với đất hiếm, kế hoạch đề ra phát triển ngành công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản đất hiếm một cách đồng bộ, hiệu quả và bền vững. Đối với các doanh nghiệp được cấp phép mới khai thác khoáng sản đất hiếm phải gắn với dự án chế biến đến sản phẩm tối thiểu là tổng các ôxit, hydroxit, muối đất hiếm có hàm lượng TREO ≥ 95%, khuyến khích sản suất tới nguyên tố đất hiếm riêng rẽ (REO), công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, thu hồi tối đa các khoáng sản có ích đi kèm, đảm bảo môi trường, an toàn về phóng xạ.

Đối với đẩy mạnh hoạt động khai thác, kế hoạch đặt mục tiêu theo các giai đoạn như sau: Giai đoạn đến năm 2030: Đẩy mạnh tìm kiếm công nghệ, thị trường khai thác gắn với chế biến sâu khoáng sản đất hiếm tại các mỏ đã cấp phép khai thác như Đông Pao - Lai Châu; Yên Phú - Yên Bái.

Dự kiến đầu tư mới dự án khai thác mỏ tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Tổng sản lượng khai thác đạt ≈ 2.020.000 tấn quặng nguyên khai/năm.

Giai đoạn năm 2031 - 2050: Duy trì hoạt động của các dự án hiện có, đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3 - 4 dự án khai thác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tổng sản lượng khai thác đạt ≈ 2.112.000 tấn quặng nguyên khai/năm.

Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam tính toán, thị trường đất hiếm toàn cầu có giá trị khoảng 10 tỷ USD, thị trường cho các sản phẩm sử dụng đất hiếm hơn 1.000 tỷ USD. Trong khi đó, nguồn cung ngoài Trung Quốc chỉ có một số cơ sở sản xuất như Lynas (Australia), MP Materials (Mỹ), Neo Silmet (Estonia), Toyota Tsusho (Nhật Bản), Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam...

Tại Việt Nam, từ năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho doanh nghiệp khai thác hai mỏ đất hiếm ở Lai Châu và Yên Bái, nhưng đến nay chưa mỏ nào hoạt động.

"Kho báu" bô xít lớn thứ 2 thế giới của Việt Nam chính thức được phê duyệt quy hoạch khai thác, tối đa 118 triệu tấn/năm

'Mở' mộ cổ khoảng 1.600 năm tuổi, khai quật được 'kho báu' bằng vàng tinh xảo của giới quý tộc xưa

Sau mũi khoan sâu 2.500m rồi bất ngờ chệch hướng, láng giềng Việt Nam báo trúng lớn: Kho báu đa kim trữ lượng ‘khủng’ lộ diện nhờ công nghệ cao

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/them-mot-kho-bau-cua-viet-nam-duoc-chinh-thuc-day-manh-khai-thac-ca-the-gioi-deu-dang-san-lung-193990.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thêm một "kho báu" của Việt Nam được chính thức đẩy mạnh khai thác: Cả thế giới đều đang săn lùng!
    POWERED BY ONECMS & INTECH