"Kho báu" bô xít lớn thứ 2 thế giới của Việt Nam chính thức được phê duyệt quy hoạch khai thác, tối đa 118 triệu tấn/năm

21-07-2023 08:38|Song Linh

Theo quy hoạch bô xít, tầm nhìn 2031 - 2050, tổng công suất khai thác đạt 72,3 - 118 triệu tấn nguyên khai/năm.

Theo Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Nông, ngày 18/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là tài nguyên khoáng sản được quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.

Đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng, các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực khai thác, chế biến. Đối với các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, Chính phủ hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác.

Chính phủ xác định từ 2021 - 2030, việc thăm dò, khai thác bô xít phải gắn với chế biến sâu (tối thiểu đến sản phẩm alumin).

Quy hoạch khai thác bô xít tối đa lên tới 118 triệu tấn/năm
Quy hoạch khai thác bô xít tối đa lên tới 118 triệu tấn/năm

Theo quy hoạch bô xít giai đoạn 2021 - 2030, tổng công suất khai thác đạt 68,15 - 112,2 triệu tấn nguyên khai/năm. Tầm nhìn 2031 - 2050, tổng công suất khai thác đạt 72,3 - 118 triệu tấn nguyên khai/năm.

Việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án thăm dò và khai thác phải đủ năng lực thực hiện các dự án từ khâu thăm dò đến chế biến sâu, sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường. Trong đó, phải đặc biệt lưu ý đến phương án thải và xử lý bùn đỏ bền vững, hiệu quả.

Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới để tái chế bùn đỏ. Các dự án sản xuất nhôm mới bằng công nghệ điện phân phải thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, trong đó khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.

Việc thăm dò, khai thác khoáng sản bô xít, sản xuất alumin, nhôm kim loại được Chính phủ xác định phải đồng bộ với phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, cung cấp điện, nước, bảo đảm về môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học, phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Mục tiêu là bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữ gìn bàn sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ sinh thái vùng Tây Nguyên.

Đối với các mỏ bô xít khu vực Tây Nguyên (gần khu đông dân cư), xem xét thăm dò và cấp phép khai thác sớm để thu hồi tối đa tài nguyên khoáng sản và được phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trước đó, theo báo cáo Mineral Commodity Summaries (MCS) 2023 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ (USGS), tổng trữ lượng quặng bô xít thế giới được ghi nhận là 31 tỷ tấn, trong đó Việt Nam có trữ lượng lớn thứ hai với 5,8 tỷ tấn.

Bô xít nguồn trầm tích tập trung ở các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Sơn La và Nghệ An. Trong khi đó, loại bô xít còn lại tập trung ở các tỉnh phía nam như Kon Tum, Đắk Nông, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Yên và Quảng Ngãi.

Vói trữ lượng thăm dò ước tính 2,6 tỷ tấn, Đắk Nông hiện là tỉnh có trữ lượng bô xít lớn nhất nước ta, chiếm khoảng 70% tổng trữ lượng cả nước. Đây cũng là tỉnh có trữ lượng quặng bô xít lớn nhất Đông Nam Á.

Nhờ sở hữu hơn 2/3 "kho báu" lớn thứ 2 thế giới, nhiều năm qua, Đắk Nông liên tiếp được nhiều ông lớn rót hàng tỷ USD với tham vọng phát triển công nghiệp khai thác bô xít. Việc Chính phủ phê duyệt khai thác quy hoạch bô xít Tây Nguyên có thể sẽ là tin vui cho nhiều doanh nghiệp lớn.

Vào tháng 4/2022, Tập đoàn Hòa Phát đề xuất cụm dự án Alumin (công suất 2 triệu tấn/năm) và nhà máy tuyển quặng (công suất 5 triệu tấn/5), dự án điện phân nhôm (công suất 500.000 tấn/năm), dự án điện gió (công suất 1.500MW) với tổng kinh phí hơn 4,3 tỷ USD.

Sau đó không lâu, CTCP Tập đoàn Việt Phương cũng đã báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông về 4 dự án đang trong quá trình khảo sát và xin chủ trương đầu tư tại tỉnh.

Cụ thể gồm: Dự án tổ hợp bôxit - alumin - nhôm Đắk Glong với diện tích 600 ha nằm trên địa bàn H.Đắk Glong, quy mô 2 triệu tấn alumin/năm; 600.000 tấn nhôm/năm; 7 dự án điện gió thuộc huyện Tuy Đức, huyện Đắk Song và huyện Đắk Glong, tổng công suất là 690 MW; dự án Khu công nghiệp Nhân Cơ 2 diện tích 400 ha tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 4.200 tỷ đồng.

Gỡ rào cản cho siêu dự án 2,3 tỷ USD tại ‘mỏ vàng’ bô xít lớn nhất Việt Nam của Hóa chất Đức Giang (DGC)

Siêu dự án tại ‘mỏ vàng’ bô xít lớn nhất Việt Nam có thể mang về 1,5 tỷ USD doanh thu cho Hóa chất Đức Giang (DGC)

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/kho-bau-bo-xit-lon-thu-2-the-gioi-cua-viet-nam-chinh-thuc-duoc-phe-duyet-quy-hoach-khai-thac-toi-da-118-trieu-tannam-193186.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    "Kho báu" bô xít lớn thứ 2 thế giới của Việt Nam chính thức được phê duyệt quy hoạch khai thác, tối đa 118 triệu tấn/năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH