Câu chuyện đầu tư

Thép Trung Quốc có thể bán sang Việt Nam bất chấp lỗ, Hòa Phát (HPG) ứng phó với chiến lược mới

Thu Huyền 29/12/2024 - 16:12

Chuyên gia nhận định Hòa Phát (HPG) sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ làn sóng thép giá rẻ Trung Quốc do doanh nghiệp không chỉ sản xuất cho thị trường nội địa mà còn xuất khẩu ra quốc tế.

Thép giá rẻ Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam

Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu thép hàng đầu thế giới, đang đẩy mạnh sản lượng thép ra thị trường quốc tế trong bối cảnh nhu cầu nội địa suy giảm. Dữ liệu từ Hải quan Trung Quốc cho thấy xuất khẩu thép của nước này đạt 18,6 triệu tấn trong tháng 11, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá thép Trung Quốc rẻ khiến các doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh tại các thị trường lớn như EU và Ấn Độ.

Sự tràn ngập của thép giá rẻ từ Trung Quốc không chỉ gây sức ép lên giá cả mà còn tác động mạnh đến thị phần của thép Việt Nam tại các thị trường truyền thống. Đây là một trong những lý do khiến xuất khẩu thép HRC của Việt Nam giảm sâu trong năm nay. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu gần 10,2 triệu tấn thép từ Trung Quốc, chiếm 69% tổng sản lượng nhập khẩu toàn ngành, tăng 58,9% so với cùng kỳ.

Thép Trung Quốc có thể bán sang Việt Nam bất chấp lỗ, Hòa Phát (HPG) ứng phó với chiến lược mới
Sản lượng nhập khẩu thép Trung Quốc (Nguồn: Vietdata)

Trong phân tích mới đây, VNDirect Research đánh giá giá thép Trung Quốc sẽ tiếp tục sụt giảm trong năm 2025. Lý do là tại thị trường Trung Quốc, khả năng Chính phủ tiếp tục bơm tiền vào lĩnh vực bất động sản – ngành tiêu thụ nhiều thép nhất để tìm kiếm động lực tăng trưởng kinh tế là thấp.

Tại thị trường quốc tế, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế suất 25% lên toàn bộ hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico, đồng thời áp thêm 10% thuế lên hàng hóa từ Trung Quốc. Nếu việc áp thuế xảy ra, VNDirect Research nhận định các nhà sản xuất thép Trung Quốc sẽ giảm xuất khẩu sang Canada, Mexico và Mỹ, đồng thời chuyển dịch lượng thép này khỏi khu vực Bắc Mỹ và Mỹ Latinh đến các thị trường như ASEAN và Ấn Độ, nơi nhu cầu tiêu thụ thép nội địa vẫn tăng trưởng vững chắc.

Nếu không có thêm biện pháp bảo hộ từ Chính phủ, lượng thép nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng, gây áp lực lớn lên thị trường trong nước.

Thép Trung Quốc có thể tiếp tục bán sang Việt Nam bất chấp lỗ, Hòa Phát chịu ảnh hưởng lớn

Tại buổi thảo luận “Trump đắc cử - cơ hội hay thách thức đầu tư chứng khoán” do DNSE tổ chức ngày 19/12, ông Trần Ngọc Báu, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành WiGroup nhận định rằng câu chuyện về thép có tính toàn cầu.

Ông cho rằng nếu Trung Quốc không bán được thép trong nước, họ sẽ chuyển sang bán cho Việt Nam. Ngay cả khi bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG), thép Trung Quốc vẫn có thể cạnh tranh về giá. Thậm chí, Trung Quốc có thể chấp nhận bán lỗ, vì vấn đề còn liên quan đến dòng tiền.

Thép Trung Quốc có thể bán sang Việt Nam bất chấp lỗ, Hòa Phát (HPG) ứng phó với chiến lược mới
Ông Trần Ngọc Báu (bên tay trái) tại buổi thảo luận do DNSE tổ chức ngày 19/12

Đánh giá về cổ phiếu, ông Báu cho rằng Hòa Phát sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất, vì đây là đơn vị đầu ngành và không chỉ sản xuất phục vụ trong nước mà còn xuất khẩu ra quốc tế. Bối cảnh nhu cầu thép toàn cầu biến động có ảnh hưởng nhiều tới Hòa Phát, thậm chí hơn cả thị trường nội địa. Tuy nhiên, nhờ dự án Dung Quất 2 sắp đi vào hoạt động, Hòa Phát có thể tăng sản lượng và cải thiện lợi nhuận tổng thể, mặc dù giá thép có thể chưa kỳ vọng tăng mạnh trong thời gian tới.

Lối đi của Hòa Phát - tăng công suất, tìm cơ hội mới

Để đối phó với những thách thức từ thị trường quốc tế, Hòa Phát đang tập trung tăng công suất sản xuất và mở rộng kênh tiêu thụ. Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đã khai lò vận hành thử nghiệm vào tháng 12 và dự kiến sẽ chính thức hoạt động vào đầu năm 2025, nâng năng lực sản xuất thép thô lên trên 14 triệu tấn/năm. Khi hoàn thiện, đây sẽ là một trong những dự án thép lớn nhất khu vực.

Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Giám đốc Tài chính Tập đoàn Hòa Phát, việc gia tăng công suất đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược xuất khẩu và tiêu thụ rõ ràng để tránh tình trạng dư cung. Đồng thời, các doanh nghiệp thép cần tập trung phát triển các thị trường mới nhằm giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như EU hay ASEAN.

Thép Trung Quốc có thể bán sang Việt Nam bất chấp lỗ, Hòa Phát (HPG) ứng phó với chiến lược mới
Thép Trung Quốc đã hạ nhiệt bớt sau cuộc điều tra chống bán phá giá thép HRC

Việt Nam cũng đã khởi xướng cuộc điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, giúp phần nào hạ nhiệt áp lực từ thép nhập khẩu. Trong tháng 11, nhập khẩu thép từ Trung Quốc giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 876.000 tấn, ghi nhận tháng giảm đầu tiên trong năm.

Dù còn nhiều thách thức, thị trường nội địa được kỳ vọng tiếp tục khởi sắc trong năm tới nhờ chu kỳ phục hồi của ngành bất động sản và đầu tư công. Ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích SSI Research nhận định ngành thép có thể hưởng lợi từ sự phục hồi này, với đà tăng trưởng kéo dài trong 2-3 năm tới.

Với nền tảng hạ tầng đang được cải thiện và các chính sách hỗ trợ, tiêu thụ thép trong nước sẽ là cứu cánh cho các nhà sản xuất như Hòa Phát khi bối cảnh xuất khẩu còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải linh hoạt ứng phó với rủi ro từ cạnh tranh quốc tế và làn sóng phòng vệ thương mại để duy trì tăng trưởng bền vững.

>> Một số sản phẩm thép cán nguội xuất xứ từ Trung Quốc đối mặt với cuộc rà soát cuối kỳ về thuế chống bán phá giá

Doanh nghiệp thép đầu tiên lên kế hoạch kinh doanh cho năm 2025, đặt mục tiêu lợi nhuận giảm 62,5%

Hòa Phát (HPG) nắm gần 40% thị phần thép xây dựng, đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thep-trung-quoc-co-the-ban-sang-viet-nam-bat-chap-lo-hoa-phat-hpg-ung-pho-voi-chien-luoc-moi-268547.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thép Trung Quốc có thể bán sang Việt Nam bất chấp lỗ, Hòa Phát (HPG) ứng phó với chiến lược mới
    POWERED BY ONECMS & INTECH