Hòa Phát (HPG) nắm gần 40% thị phần thép xây dựng, đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới
Với sự kết hợp giữa tăng trưởng sản lượng, cải thiện giá bán và hỗ trợ từ chính sách, năm 2025 hứa hẹn là giai đoạn quan trọng để ngành thép Việt Nam củng cố vị thế, chuẩn bị cho chu kỳ tăng trưởng tiếp theo.
Năm 2024 chứng kiến sự phục hồi đáng kể của ngành thép Việt Nam sau giai đoạn khó khăn. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng tiêu thụ nội địa đạt 17 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ, nhờ sự phục hồi của ngành xây dựng dân dụng và hạ tầng. Đặc biệt, thép xây dựng và thép mạ kẽm nhúng nóng là hai phân khúc tăng trưởng mạnh mẽ nhất.
Ảnh minh họa |
Sự gia tăng nguồn cung nhà ở tại Hà Nội (+40%) và TP. HCM (+45%) đã thúc đẩy nhu cầu thép xây dựng. Đồng thời, các dự án hạ tầng lớn như cao tốc Bắc - Nam và sân bay Long Thành được đẩy nhanh tiến độ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành. Chứng khoán MBS dự báo, sản lượng thép toàn ngành năm 2025 có thể đạt 21,8 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2024.
Theo ghi nhận, giá thép xây dựng trung bình năm 2024 đạt 551 USD/tấn, giảm nhẹ 2% do áp lực từ nguồn thép nhập khẩu Trung Quốc. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2025-2026, giá dự kiến tăng 7-8%, nhờ giảm cạnh tranh từ thép nhập khẩu và nhu cầu tăng trưởng từ các dự án hạ tầng.
Đối với thép cuộn cán nóng (HRC) và thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG), Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ. Nếu áp thuế thành công trong năm 2025, giá thép nội địa có thể hưởng lợi đáng kể, giảm chênh lệch giá với sản phẩm nhập khẩu, tăng tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước.
Tập đoàn Hòa Phát (HPG) tiếp tục dẫn đầu thị phần thép xây dựng, tăng từ 35% lên 38% trong năm 2024 nhờ sản lượng tăng và xuất khẩu sang ASEAN. Công ty chứng khoán nhận định, thị phần HRC của Hòa Phát có thể đạt 25% vào năm 2025 khi thuế chống bán phá giá có hiệu lực đồng thời nhà máy thép Dung Quất 2 đi vào vận hành.
Trong mảng tôn mạ, các công ty lớn như Hoa Sen (HSG) và Nam Kim (NKG) tiếp tục chiếm lĩnh thị trường. Dự báo, HSG và NKG có thể đạt gần 40% tổng sản lượng bán ra trong năm 2025.
Tăng trưởng xuất khẩu và rủi ro thị trường
Xuất khẩu thép Việt Nam dự kiến tăng trưởng 8% trong năm 2025, nhờ nhu cầu từ thị trường châu Âu và ASEAN. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là thuế chống bán phá giá áp dụng từ EU đối với sản phẩm HRC. Hiệp hội Thép châu Âu (Eurofer) cho biết nhu cầu từ ngành xây dựng và ô tô sẽ là yếu tố chính thúc đẩy tiêu thụ thép tại châu lục này.
Giá nguyên liệu, bao gồm quặng sắt và than cốc, dự báo sẽ ổn định vào năm 2025. Giá than cốc giảm xuống còn 300 USD/tấn (-7% so với năm trước), hỗ trợ chi phí sản xuất. MBS dự báo biên lợi nhuận gộp toàn ngành thép sẽ cải thiện, đạt 14%, tăng 1% so với năm 2024.
Ngành thép Việt Nam đang ở giai đoạn phục hồi bền vững với động lực từ đầu tư công và nhu cầu nhà ở. Các chính sách hỗ trợ, đặc biệt là thuế chống bán phá giá, sẽ tạo thêm lợi thế cho doanh nghiệp nội địa, giúp doanh nghiệp cạnh tranh hiệu quả hơn với thép nhập khẩu.
Với sự kết hợp giữa tăng trưởng sản lượng, cải thiện giá bán và hỗ trợ từ chính sách, năm 2025 hứa hẹn là giai đoạn quan trọng để ngành thép Việt Nam củng cố vị thế, chuẩn bị cho chu kỳ tăng trưởng tiếp theo.
>> Chính phủ đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm 2025, chuyên gia gọi tên 2 doanh nghiệp tiềm năng