Sống

“Thị Nở” huyền thoại của làng phim Việt ở tuổi U90: Chăm làm từ thiện, không màng đến danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân

Nhật Linh 28/09/2023 08:20

Vai diễn Thị Nở trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” đã đưa tên tuổi NSƯT Đức Lưu sống mãi cùng nền điện ảnh nước nhà.

Đã hơn bốn thập niên trôi qua, điện ảnh Việt Nam đã có nhiều thay đổi, nhiều diễn viên mới xuất hiện với những vai diễn đa dạng, thế nhưng có một diễn viên chỉ với một vai diễn lại khiến nhiều thế hệ khán giả nhớ mãi. Đó là nghệ sĩ Đức Lưu, người đảm nhiệm vai Thị Nở trong bộ phim nổi tiếng “Làng Vũ Đại ngày ấy” của đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa.

Nữ nghệ sĩ tài năng được khán giả nhớ mặt, biết tên vì… quá xấu

NSƯT Đức Lưu sinh năm 1939, ở Tây Đằng, Quảng Oai, Ba Vì, Hà Nội. Bà từng học khoa Diễn viên Đại học Sân khấu Điện ảnh trước khi về đầu quân cho Nhà hát Kịch Hà Nội. Cũng như nhiều mỹ nhân lớp diễn viên điện ảnh khóa I, nghệ sĩ Đức Lưu khi đó sở hữu một nhan sắc khiến nhiều người mê đắm. Trước khi đóng “Làng Vũ Đại ngày ấy”, nghệ sĩ Đức Lưu tham gia diễn kịch “Đêm tháng bảy” và phim “Cô gái công trường” song không để lại dấu ấn. Phải đến vai Thị Nở, bà mới được người xem nhớ mặt, biết tên. Một trong những yếu tố giúp Thị Nở trở thành vai diễn để đời của NSƯT Đức Lưu chính là tạo hình vô cùng xấu xí của nhân vật.

Vai diễn Thị Nở trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”

Vai diễn Thị Nở trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”

Để có một Thị Nở giống như nguyên tác của nhà văn Nam Cao, nghệ sĩ Đức Lưu được đạo diễn Phạm Văn Khoa đưa đến bệnh viện Việt Đức để biến hàm răng trắng bóng thành bộ răng đen. Mũi bà cũng được đắp cao su rồi bôi phẩm đỏ ở đầu, hai bên má ngậm bông băng sao cho bề ngang rộng hơn chiều cao của khuôn mặt. Ngày ấy, cả Chí Phèo Bùi Cường và Thị Nở Đức Lưu sau khi được “phẫu thuật thẩm mỹ”, trở về Hãng phim truyện Việt Nam đều không ai nhận ra.

Thậm chí, khi soi mình trong gương, nghệ sĩ Đức Lưu còn thấy buồn cười. Bà vui vì đã làm cho nhân vật Thị Nở bước ra từ những trang văn của nhà văn Nam Cao và sống mãi đến tận bây giờ. Nhiều người thắc mắc tại sao ngoài đời xinh thế mà hóa trang được thành Thị Nở xấu đến vậy. Đó, tất nhiên là nhờ tài nghệ của người hóa trang và diễn xuất như thật của các diễn viên.

Sau vai diễn, nữ diễn viên đã phải chịu không ít điều tiếng. Nghệ sĩ Đức Lưu kể: “Khi nhận vai, bạn bè bảo tôi xinh đẹp thế sao lại nhận đóng vai “ma chê quỷ hờn” nhưng đấy là họ không hiểu nghệ thuật và không hiểu tôi. Nếu sợ xấu thì đừng bao giờ đi làm diễn viên”.

NSƯT Đức Lưu thời trẻ

NSƯT Đức Lưu thời trẻ

Từ đó, nhân vật Thị Nở đã ngấm sâu vào con người bà với sự cảm thông, chia sẻ với người mang tất cả bất hạnh mà một phụ nữ trên đời phải gánh chịu cũng như sự thấu hiểu mối tình nhân văn của Thị Nở - Chí Phèo giữa bối cảnh nông thôn miền Bắc Việt Nam những năm 1930. Hơn nữa, muốn diễn đạt được như vậy, người diễn viên phải có vốn sống dày dặn, tích lũy, trải nghiệm qua nhiều năm tháng.

Và cũng vì “đóng đinh” trong lòng khán giả với vai Thị Nở mà bà đã quyết định bỏ nghiệp diễn và chuyển về Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội sau khi bộ phim được công chiếu không lâu.

Bởi theo lý giải của bà thì ngày ấy bà là người của công chúng nên vận động, tuyên truyền nhân dân làm gì cũng dễ. Hơn nữa, khi đã ở đỉnh cao sự nghiệp, để vượt qua “cái bóng” của chính mình là điều thật không dễ dàng.

Cuộc sống êm ấm, hạnh phúc bên chồng và các con

Không chỉ biết đến là một nghệ sĩ tài năng, Đức Lưu còn được biết đến khi có một cuộc tình đẹp và cuộc sống gia đình hạnh phúc, ấm êm với người chồng - Giáo sư Trần Hạ Phương, nguyên giảng viên Khoa Hóa học, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội). Ông bà quen biết và nảy sinh tình cảm khi bà học thêm tiếng Anh buổi tối ở trường đại học nơi ông công tác.

Nhớ về mối tình đẹp đẽ ấy, bà kể: “Một lần, giữa sân trường, ông ấy mạnh dạn hỏi tôi: “Xin phép được đưa chị về nhà!”. Vậy là hai người vừa trò chuyện, vừa đi dạo hết qua Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi qua Ký túc xá Cao Bá Quát nơi tôi ở. Buổi tối thứ 7, mà 4 lần dạo quanh Lò Đúc - nơi ông ở đến Cao Bá Quát rồi ngược lại, cứ người đưa về, người tiễn ngập ngừng giây phút chẳng muốn rời xa…”.

NSƯT Đức Lưu và chồng là GS,TS Trần Hạ Phương thời còn trẻ

NSƯT Đức Lưu và chồng là GS,TS Trần Hạ Phương

Sau một năm tìm hiểu, cuối cùng, họ cũng quyết định đến hôn nhân và đám cưới diễn ra đúng Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1962) tại căn nhà đi mượn ở số 57 Mã Mây do Giáo sư Ngụy Như Kon Tum, khi ấy là Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp Hà Nội làm chủ hôn.

Bạn bè đến chung vui, mỗi người góp một câu chuyện vui vẻ. Đám cưới diễn ra suốt 3 ngày liền với thuốc lá Cẩm Thủy, kẹo bột, hạt dưa, bánh xốp… được tích từ 6 tháng tem phiếu. Kết quả của mối tình ấy, ông bà đã hạ sinh được hai cậu con trai và hiện nay họ đều đã thành đạt trong lĩnh vực báo chí truyền thông.

Năm 2012, sau 5 năm bị liệt bởi căn bệnh nhồi máu não, ông đã qua đời ở tuổi 82. Sống với nhau trọn vẹn 50 năm, tình cảm vợ chồng chẳng bao giờ có cãi vã, ông luôn bên cạnh động viên bà.

Không chỉ là người đàn ông quan trọng trong cuộc đời NSƯT Đức Lưu, Giáo sư Trần Hạ Phương còn là người luôn ủng hộ, cố vấn và giúp vợ thành công trong những vai diễn.

Đáp lại ân tình của người chồng quá cố, bà vừa hoàn thành xong 3 tập bộ phim tài liệu về vùng quê của chồng - huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) theo tâm nguyện trước khi mất của ông.

Tuổi xế chiều hăng hái làm từ thiện, không màng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân

Câu chuyện danh hiệu của bà đã được nhắc tới nhiều bởi bao năm qua, bà mới chỉ nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Về điều này, nghệ sĩ Đức Lưu chia sẻ với Vietnamnet: “Cũng có người bảo tôi sao không làm đơn để lên Nghệ sĩ nhân dân nhưng tôi nói chẳng cần thiết. Trước tôi nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cũng rất chậm vì không làm đơn xin. Tôi nghĩ cái danh không quan trọng”.

NSƯT Đức Lưu nay đã ở tuổi 84

NSƯT Đức Lưu nay đã ở tuổi 84

Hiện nay, với số tiền lương hưu ít ỏi, nghệ sĩ Đức Lưu vẫn âm thầm với hành trình làm từ thiện tại các bản làng xa xôi, vùng cao, vùng biên giới đặc biệt khó khăn trên cả nước.

“Bản thân tôi biết rằng nhu cầu sống của mình như thế nào là đủ, gạt bỏ những tham sân si ở đời và bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Trong cuộc đời, tôi đã đi nhiều nơi, có cơ hội nhìn thấy sự thiếu thốn của những mảnh đời bất hạnh, khó khăn. Chính điều đó đã thôi thúc tôi cần phải hành động, chắp nối những nhịp cầu, mang đến những điều tốt đẹp cho họ. Ngày nào còn khỏe mạnh thì tôi sẽ cố gắng làm việc tốt cho xã hội ngày ấy”, nghệ sĩ Đức Lưu chia sẻ.

Trong những dịp rằm tháng Tám hay Đại lễ Vu Lan báo hiếu, bà lại kêu gọi nhiều nhà hảo tâm cùng tài trợ tiền, quà, bánh, hiện vật cho những trẻ em nghèo người dân tộc thiểu số ở các vùng cao như Mù Cang Chải, Văn Chấn, Nghĩa Lộ hay đồng bào Chứt ở Hà Tĩnh…

NSƯT Đức Lưu (người ngồi hàng đầu bên trái) tham gia từ thiện tại huyện Lục Yên, Yên Bái

NSƯT Đức Lưu (người ngồi hàng đầu bên trái) tham gia từ thiện tại huyện Lục Yên, Yên Bái

Hễ cứ ai nhắc đến việc phúc đức, thiện tâm là bà sẵn sàng xách túi lên đường. Giờ đây đã ở tuổi 84 nhưng bà vẫn được trời phú cho sức khỏe, sự nhanh nhẹn, đặc biệt bà vẫn hăng hái ngược xuôi với hành trình từ thiện suốt nhiều năm qua.

Một tỉnh thành có nợ xấu siêu thấp, mỗi 1 tỷ cho vay thì nợ xấu chỉ 5 triệu đồng

Liên tục giảm giá, "siêu thị nợ xấu Big 4" vẫn kén khách

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/thi-no-huyen-thoai-cua-lang-phim-viet-o-tuoi-u90-cham-lam-tu-thien-khong-mang-den-danh-hieu-nghe-si-nhan-dan-d109120.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    “Thị Nở” huyền thoại của làng phim Việt ở tuổi U90: Chăm làm từ thiện, không màng đến danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân
    POWERED BY ONECMS & INTECH