Cổ phiếu KHG của Khải Hoàn Land tăng 30% ngày đầu lên sàn; TCH, SBT cùng REE rời rổ VN30, ACB, GVR và SAB được thêm mới; Hóa chất Đức Giang báo lãi kỷ lục 333 tỷ đồng quý II/2021; Một cổ phiếu dược tăng 60% sau một tuần;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 20/7/2021.
TCH, SBT cùng REE rời rổ VN30, ACB, GVR và SAB được thêm mới: Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa công bố danh mục cổ phiếu trong rổ VN30 trong đợt cơ cấu tháng 7/2021. Theo đó, cổ phiếu TCH của Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy, mã SBT của Thành Thành Công - Biên Hòa và REE của Cơ điện lạnh bị loại khỏi rổ VN30. Thay vào đó, cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu, GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và SAB của Sabeco được thêm mới vào rổ VN30 trong đợt này. Danh mục VN30 này sẽ có hiệu lực chính thức vào ngày 2/8. Bên cạnh đó, HOSE cũng cho biết danh mục cổ phiếu dự phòng trong chỉ số VN30 kỳ này gồm cổ phiếu VCG và 4 đại diện đến từ nhóm ngân hàng là VIB, MSB, EIB, LPB.
Một cổ phiếu dược tăng 60% sau một tuần: Cổ phiếu NTF của CTCP Dược – Vật tư Y tế Nghệ An (DNA Pharma, UPCoM: NTF) vừa tăng 5 phiên liên tiếp, trong đó 3 phiên tăng trần bất chấp tình trạng đi xuống của thị trường chung. Đóng cửa ngày 19/7, thị giá NTF ở mức 40.700 đồng/cp, tăng 60% sau một tuần. Thanh khoản bình quân của cổ phiếu thấp, khoảng 100 đơn vị, nhiều phiên không có giao dịch kéo dài từ khi cổ phiếu này lên sàn UPCoM vào tháng 7/2019.
Cổ phiếu KHG của Khải Hoàn Land tăng 30% ngày đầu lên sàn: Hôm nay (19/7), hơn 174,8 triệu cổ phiếu KHG của CTCP Bất động sản Khải Hoàn Land chính thức được giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Giá tham chiếu trong ngày đầu giao dịch là 15.000 đồng/cổ phiếu. Kết phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu KHG tăng trần 30% lên 19.500 đồng/cp, vốn hóa thị trường đạt hơn 3.408 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch đạt 3,84 triệu đơn vị, tương đương giá trị hơn 67 tỷ đồng. Trước đó, Khải Hoàn Land cho biết, cổ phiếu KHG sẽ tạm thời giao dịch trên HNX cho đến khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) xử lý được hiện tượng nghẽn lệnh.
Chứng chỉ quỹ (CCQ) FUEVFVND bị bán ròng mạnh nhất phiên 19/7: Khối ngoại giao dịch tiêu cực trở lại khi mua vào 35 triệu cổ phiếu, trị giá 1.524 tỷ đồng, trong khi bán ra 42,9 triệu cổ phiếu, trị giá 1.634 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 7,8 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng 109,5 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng trở lại 98 tỷ đồng sau 3 phiên mua ròng liên tiếp, tương ứng khối lượng bán ròng 5,5 triệu cổ phiếu. STB đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại trên HoSE với 126 tỷ đồng. VNM và NVL được mua ròng lần lượt 122 tỷ đồng và 49 tỷ đồng. Chiều ngược lại, chứng chỉ quỹ (CCQ) FUEVFVND bị bán ròng mạnh nhất với 202 tỷ đồng. KDH và HPG bị bán ròng lần lượt 142 tỷ đồng và 71 tỷ đồng.
DRH Holdings lần đầu báo lỗ quý kể từ năm 2014: CTCP DRH Holdings (Mã: DRH) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2021 với doanh thu thuần đạt 4 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, chủ yếu là doanh thu từ mảng bất động sản (3,9 tỷ đồng). Còn lại là doanh thu cung cấp dịch vụ. Giá vốn bán hàng giảm từ hơn 5 tỷ đồng về gần 3 triệu đồng kéo theo lãi gộp đạt 1 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ. Trong kỳ, chi phí tài chính ghi nhận tăng mạnh từ gần 4 tỷ đồng lên hơn 18 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều ghi nhận giảm. DRH tiếp tục có khoản lãi hơn 14 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết là CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Bimico, Mã: KSB). Song, khoản lãi này giảm tới 42% so với cùng kỳ. Kết quả, doanh nghiệp lỗ gần 1,9 tỷ đồng trong quý II, trong khi cùng kỳ lãi hơn 20 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên doanh nghiệp ghi nhận lỗ kể từ năm 2015 đến nay.
Cổ đông không muốn đưa cổ phiếu lên sàn, TEDI gặp khó sau cổ phần hóa: Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế GTVT - CTCP (OTC: TEDI) vừa có giải trình về việc thực hiện nghĩa vụ của công ty đại chúng liên quan đến đăng ký giao dịch hoặc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Đại diện TEDI giải trình HĐQT TEDI đã trình ĐHĐCĐ xem xét và biểu quyết. Tuy nhiên, số lượng không đồng ý chiếm đông đảo hơn 68%, trong đó bao gồm cổ đông chiến lược OCG và gần như tuyệt đối các cổ đông là người lao động TEDI. Như vậy, theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020, nội dung “Thực hiện đăng ký lưu ký và giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán UPCoM” không được ĐHĐCĐ biểu quyết thông qua…
OCB chuẩn bị phát hành 274 triệu cổ phiếu chia cổ tức: Theo thông báo phát đi từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cơ quan này đã nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu để trả cổ tức của OCB. Theo đó, OCB sẽ phát hành gần 274 triệu cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 25%. Thời gian chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức chưa được xác định. Trước đó, vào tháng 6/2021, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản chấp thuận cho OCB tăng vốn thêm tối đa gần 2.740 tỷ đồng, từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Theo đó, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 10.959 tỷ đồng lên 13.698 tỷ đồng. Ngoài chia cổ tức 25%, ĐHĐCĐ thường niên 2021 của OCB cũng đã thông qua việc chào bán 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Hóa chất Đức Giang báo lãi kỷ lục 333 tỷ đồng quý II/2021: Tập đoàn hóa chất Đức Giang (HOSE – Mã: DGC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021. Theo đó, trong quý II/2021, doanh nghiệp đạt doanh thu 2.038,5 tỷ đồng, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi gộp đạt 495 tỷ đồng, tăng 29%. Biên lãi gộp giữ nguyên ở mức 24%. Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm 9% ghi nhận 32,5 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm 43% còn 20 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí bán hàng tăng mạnh gần gấp đôi lên 122,3 tỷ đồng. Kết quả, lãi sau thuế của doanh nghiệp đạt 333 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận mức cao nhất một quý trong lịch sử hoạt động. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Hóa chất Đức Giang đã đạt 3.988 tỷ đồng doanh thu và 625 tỷ đồng lãi sau thuế.