250 triệu cổ phiếu Sunshine Homes sắp lên sàn UpCoM với giá tham chiếu 21.600 đồng/cp; Giá trị khớp lệnh xuống thấp nhất gần 6 tháng; Cổ phiếu KDC bị bán ròng mạnh nhất phiên 28/7; ACV được phép dùng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 29/7/2021.
Giá trị khớp lệnh xuống thấp nhất gần 6 tháng: Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/7, VN-Index tăng nhẹ 0,14 điểm (0,01%) lên 1.277,07 điểm. Toàn sàn có 141 mã tăng, 214 mã giảm và 67 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,25 điểm (0,08%) lên 306,25 điểm. Toàn sàn có 67 mã tăng, 112 mã giảm và 189 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,19 điểm (0,22%) lên 84,96 điểm. Thanh khoản giảm mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt 16.000 tỷ đồng, trong đó, giao dịch khớp lệnh đạt 13.600 tỷ đồng, giảm 31%, riêng sàn HoSE giảm 29,8% xuống 11.500 tỷ đồng, đây cũng là mức thấp nhất trong vòng gần 6 tháng qua kể từ thời điểm đầu tháng 2/2021.
250 triệu cổ phiếu Sunshine Homes sắp lên sàn UpCoM với giá tham chiếu 21.600 đồng/cp: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có văn bản chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu SSH của CTCP Phát triển Sunshine Homes (UPCoM: SSH). Theo đó, Sunshine Homes sẽ đưa vào giao dịch 250 triệu cổ phiếu, giá trị đăng ký giao dịch là 2.500 tỷ đồng. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của SSH là 21.600 đồng/cổ phiếu, tương đương với giá trị vốn hóa khi chào sàn của SSH đạt 5.400 tỷ đồng.
Cổ phiếu KDC bị bán ròng mạnh nhất phiên 28/7: Khối ngoại giao dịch vẫn khá tích cực khi mua vào 19,5 triệu cổ phiếu (giảm 57% so với phiên trước), trị giá 829 tỷ đồng, trong khi bán ra 18 triệu cổ phiếu (giảm 52%), trị giá 778 tỷ đồng. Tổng khối lượng mua ròng đạt 1,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 51 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục mua ròng 61,4 tỷ đồng, giảm 79% so với phiên trước, tương ứng khối lượng mua ròng là gần 1,6 triệu cổ phiếu. HPG được mua ròng mạnh nhất với giá trị 63 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND được mua ròng 55 tỷ đồng. Chiều ngược lại, KDC bị bán ròng mạnh nhất với 31 tỷ đồng. KDH cũng bị bán ròng hơn 22,5 tỷ đồng.
Thép Tiến Lên (TLH) đưa gần 1,5 triệu cổ phiếu quỹ ra bán: CTCP Thép Tiến Lên (mã chứng khoán TLH) vừa thông qua kế hoạch bán cổ phiếu quỹ để bổ sung vốn lưu động phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Theo đó Thép Tiến Lên dự kiến mang 1,46 triệu cổ phiếu quỹ ra bán. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 30/7 đến 10/8/2021 theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận. Hiện trên thị trường cổ phiếu TLH đang giao dịch quanh mức 14.400 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo giá này, nếu bán hết số cổ phiếu quỹ đăng ký, Thép Tiến Lên sẽ thu về khoảng 21 tỷ đồng. Số cổ phiếu quỹ mà Thép Tiến Lên mang ra bán được công ty mua vào từ tháng 6,7 của năm 2015. Giá mua vào lúc đó 6.164 đồng/cổ phiếu. Tương ứng tổng giá trị được ghi nhận trên BCTC xấp xỉ 9 tỷ đồng.
Lợi nhuận FLC Stone (AMD) tăng 106%: CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (Mã: AMD) vừa công bố báo cáo tài chính quý II cho thấy doanh thu thuần đạt gần 426 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp giảm hơn một nửa còn 10,2 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính nhảy vọt từ 847 triệu đồng vào quý II năm ngoái lên hơn 10 tỷ đồng trong kỳ này. Công ty cho biết doanh thu tài chính hoàn toàn đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay. Các loại chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm xuống. Nhờ vậy, FLC Stone ghi nhận lãi sau thuế gần 4,8 tỷ đồng, tăng 106%. Lũy kế nửa đầu năm, công ty báo cáo doanh thu thuần 787 tỷ và lợi nhuận trước thuế 9,44 tỷ; tăng trưởng lần lượt 31% và 30% so với cùng kỳ 2020.
ACV được phép dùng lợi nhuận giữ lại để tăng vốn: Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp hôm 19/7 về phương án chia cổ tức, phân phối lợi nhuận sau thuế các năm 2019, 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV). Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý với chủ trương sử dụng lợi nhuận sau thuế của ACV để đầu tư tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp này. Việc này được giải thích nhằm tạo điều kiện cho ACV có thêm nguồn vốn thực hiện các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia đã được nhà nước giao trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19.
Lợi nhuận Dịch vụ Hoàng Huy giảm 55% do hụt thu tài chính và lãi từ công ty liên doanh liên kết: CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (Mã: HHS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 với doanh thu thuần tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái lên 150 tỷ đồng do công ty đã thực hiện chương trình hỗ trợ giá bán cho khách hàng có thể mua xe với giá ưu đãi trong mùa dịch COVID-19. Trong kỳ, giá vốn hàng bán tăng thấp hơn mức tăng của doanh thu thuần nên biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 5% lên 12%. Doanh thu tài chính giảm 83% chủ yếu do giảm lãi từ tiền gửi, tiền cho vay. Ngoài ra, công ty còn hụt phần lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết (giảm 60%) do chưa tới kỳ bàn giao dự án và sản phẩm bất động sản. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của HHS giảm 55% về 53 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HHS ghi nhận 288 tỷ đồng, giảm 5%; lợi nhuận sau thuế giảm 41% xuống 109 tỷ đồng. Lãi ròng đạt 107 tỷ đồng.