VCB, VPB và HVN là 3 cổ phiếu dẫn đầu về mức ảnh hưởng tích cực đến VN-Index trong khi VIC, VHM và VRE trở thành gánh nặng của thị trường với việc lấy đi của VN-Index tổng cộng 15,8 điểm
Kết tuần giao dịch từ 12 - 16/12/2022, VN-Index tăng nhẹ 0,67 điểm lên 1.052,48 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 18,1% so với tuần trước xuống 71.179 tỷ đồng, khối lượng giảm 22,4% xuống 3.956 triệu cổ phiếu.
Chỉ số HNX-Index giảm 4,01 điểm (-1,84%), xuống 212,99 điểm. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 26,5% xuống 6.904 tỷ đồng, khối lượng giảm 24,2% xuống 497 triệu cổ phiếu.
Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng mạnh nhất, trong đó, các mã cổ phiếu thép nổi bật, dù mức tăng chưa đạt hai con số với HPG (+6,25%), HSG (+4,25%), NKG (+6,02%), TVN (+7,16%), SMC (+4,8%),… các cổ phiếu ngành hóa chất, phân đạm cũng giao dịch tích cực với DGC (+7,08%), CSV (+3,79%), DCM (+1,05%), DPM (+0,81%).
Nhóm cổ phiếu bán lẻ tiếp tục có thêm một tuần đồng thuận, dù mức tăng còn tương đối thấp với MWG (+3,6%), DGW (+3,28%), FRT (+1,5%), PET (+5,4%),…
Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng phân hóa với một số tăng tích cực như VPB (+9,47%), MBB (+3,3%), VCB (+3,1%), TCB (+3,2%), HDB (+3%) và EIB (+22,9%), các mã STB, TPB, SHB tăng nhẹ, còn BID, VIB, ACB giảm nhẹ trong khi CTG không đổi.
Khối ngoại duy trì diễn biến mua ròng tuần thứ 6 liên tiếp trên HOSE với giá trị gần 1.900 tỷ đồng. Tại HNX, khối ngoại thu hẹp quy mô mua ròng còn gần 38,7 tỷ đồng qua đó đẩy quy mô gom ròng từ đầu năm lên gần 1.780 tỷ đồng. Trên sàn UPCoM, khối ngoại bán ròng nhẹ hơn 4 tỷ đồng; giá trị mua ròng từ đầu năm bị thu hẹp còn gần 136 tỷ.
NVL được mua mạnh nhất với gần 278 tỷ đồng; VND và VHM được mua lần lượt 255 tỷ và 176 tỷ đồng; các mã HCM, FRT, VCI, CTG, HPG, SSI cũng được mua từ 100 - 170 tỷ.
Bên phía bán ròng VNM bị bán mạnh với giá trị trên 412 tỷ đồng, VRE với giá trị 138 tỷ đồng.
Dòng tiền cá nhân bán mạnh nhóm chứng khoán - ngân hàng: Theo thống kê từ Fiintrade, tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng hẳn bên bán với 15/18 nhóm ngành bị bán ròng trong đó nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu chứng khoán với giá trị gần 776 tỷ đồng; 762 tỷ đồng ở nhóm ngân hàng. Một số nhóm bị bán ròng mạnh có bất động sản (740 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (304 tỷ đồng), hóa chất (227 tỷ đồng), bán lẻ (162 tỷ đồng), dầu khí (137 tỷ đồng),…
Chiều ngược lại, lực cầu chủ yếu tập trung ở nhóm thực phẩm và đồ uống với gần 445 tỷ đồng; cổ phiếu hàng & dịch vụ công nghiệp và truyền thông cũng nằm trong danh mục giải ngân.
Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện NVL với 498 tỷ đồng; VND cũng bị bán ròng với giá trị 370 tỷ đồng; các mã VPB và HPG lần lượt bị xả ròng 297 tỷ và 264 tỷ đồng; nhóm tài chính - ngân hàng như STB, SSI, TCB, CTG bị xả ròng từ 140 – 230 tỷ; VHM (182 tỷ đồng), DGC (152,4 tỷ đồng).
Ngược lại, cổ phiếu VNM hút ròng 469 tỷ; TPB và GEX cũng được mua ròng lần lượt 254 tỷ và 156 tỷ đồng; các mã bất động sản như VRE, VIC, SZC, KDH, PDR hút ròng từ 37 tỷ đến 134 tỷ.