Thị trường dược phẩm 7 tỷ USD: Thêm tân binh gia nhập, Long Châu tăng thị phần, An Khang nỗ lực tái cơ cấu
Thị trường dược phẩm dự báo sẽ đạt quy mô hàng chục tỷ USD, báo hiệu cuộc chiến gay gắt để tranh giành thị phần.
Thị trường dược phẩm Việt Nam được ước tính có giá trị khoảng 7 tỷ USD, trong đó 70% thuộc về kênh đấu thầu bệnh viện. Điều này đồng nghĩa thị trường bán lẻ với 60.000 nhà thuốc chiếm khoảng 2 tỷ USD còn lại. Trong số đó, 7 chuỗi nhà thuốc hiện đại với hơn 3.000 cửa hàng đã đạt tổng doanh thu 1,1 tỷ USD, chiếm hơn 50% thị phần bán lẻ dược phẩm trên toàn quốc.
Thị trường này được dự báo sẽ còn mở rộng lên tới quy mô hàng chục tỷ USD, khẳng định tiềm năng phát triển của ngành dược phẩm Việt Nam đồng thời cũng báo hiệu cuộc chiến gay gắt để tranh giành thị phần.
Nguồn: Vietdata |
Sự gia nhập của tân binh: Nhà thuốc Phượng Hoàng
Ngày 19/11 vừa qua, thị trường dược phẩm đón thêm một tân binh mới là chuỗi nhà thuốc Phượng Hoàng, do Chris Blank, người sáng lập kiêm cựu CEO của Pharmacity - chuỗi nhà thuốc hàng đầu Việt Nam đứng sau.
Nhà thuốc Phượng Hoàng thuộc quyền sở hữu của CTCP Nhà thuốc Phượng Hoàng, thành lập ngày 2/5/2024, có trụ sở tại tầng 3, số 92A Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Người đại diện pháp luật là bà Cao Ngọc Mai Anh.
Đáng chú ý, cửa hàng mới của chuỗi này tọa lạc ngay đối diện nhà thuốc Long Châu tại trung tâm TP.HCM, đánh dấu 1 cuộc chạy đua mới trên thị trường dược phẩm Việt Nam.
Thế trận của ba chuỗi nhà thuốc lớn nhất Long Châu, Pharmacity và An Khang
Thị trường hiện được dẫn dắt bởi ba chuỗi nhà thuốc lớn: Long Châu, Pharmacity và An Khang. Trong nhóm 7 chuỗi nhà thuốc lớn nhất, Long Châu chiếm gần 62% thị phần, Pharmacity và An Khang nắm giữ lần lượt 18,5% và 8,5%. Thời gian qua, các chuỗi nhà thuốc này liên tục đưa ra các chiến lược mới để gia tăng sự hiện diện, cũng như tối ưu hóa nguồn lực với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các tập đoàn mẹ.
Về Long Châu, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2024 của FPT Retail (FRT), doanh thu lũy kế của chuỗi dược phẩm Long Châu đạt 18.006 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 63% vào tổng doanh thu của công ty mẹ. Long Châu hiện sở hữu hơn 1.800 nhà thuốc, với doanh thu trung bình 1,1 tỷ đồng/tháng/nhà thuốc, cải thiện đáng kể so với cuối năm 2023.
>>Sếp FPT Retail bật mí cách dùng công nghệ để dẫn lối thành công của chuỗi nhà thuốc Long Châu
Long Châu đã đóng góp 85% doanh thu cho FPT Retail trong 9 tháng năm 2024 |
Long Châu đã vươn lên trở thành một trong những hệ thống bán lẻ dược phẩm lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam. Từ 4 nhà thuốc vào năm 2017, Long Châu đã mở rộng lên 1.849 cơ sở vào quý III/2024. Riêng quý III/2024, Long Châu đã mở thêm 143 nhà thuốc mới, hướng đến mục tiêu mở rộng hệ thống lên 2.500-3.000 cửa hàng trong những năm tới.
Điểm khác biệt nữa của Long Châu là còn mở rộng sang dịch vụ Trung tâm tiêm chủng, kết hợp tốt với mô hình nhà thuốc giúp tối ưu hiệu quả hoạt động. Hiện tại, Long Châu sở hữu 124 trung tâm tiêm chủng trên cả nước.
Lời giải bài toán lợi nhuận đã được Long Châu tìm ra, trong khi các chuỗi lớn khác như Pharmacity hay An Khang (của Thế Giới Di Động) vẫn đang chật vật.
Pharmacity tìm kiếm chiến lược mới
Pharmacity từng là chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn nhất Việt Nam, với tham vọng đạt 5.000 cửa hàng vào năm 2025. Tuy nhiên, tốc độ mở rộng quá nhanh đã dẫn đến hiệu quả hoạt động không như mong đợi. Đến nay, chuỗi này chỉ còn 921 nhà thuốc, giảm khoảng 300 cơ sở so với đỉnh điểm vào tháng 8/2022. Theo đó, vị thế dẫn đầu của Pharmacity đã thuộc về tay chuỗi Long Châu.
Pharmacity tập trung tái định vị chiến lược |
Năm 2019, Pharmacity ghi nhận lỗ ròng 265 tỷ đồng. Năm 2020, chuỗi ghi nhận lỗ thêm 421 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến cuối năm 2020 đã lên hơn 1.000 tỷ đồng. Từ năm 2021 trở đi, Pharmacity đã không còn công bố kết quả kinh doanh nhưng dễ nhận thấy những khó khăn còn hiện hữu trước sự bành trướng, thừa thắng xông lên của Long Châu.
>>“Ma trận” bán thuốc kháng sinh không cần toa
Sau biến động nhân sự vào tháng 9/2022, khi nhà sáng lập Chris Blank rời vị trí CEO, chuỗi đã hai lần thay đổi lãnh đạo trong vòng 18 tháng.
Hiện tại, Pharmacity tập trung tái định vị chiến lược, từ bỏ mô hình "nhà thuốc tiện lợi", thay vào đó là tăng cường các sản phẩm thuốc kê đơn phù hợp hơn với thói quen tiêu dùng của người Việt. Dù vậy, chuỗi này vẫn đang vật lộn để tìm điểm hòa vốn.
An Khang: Hoàn tất tái cơ cấu sau khi cắt giảm hàng trăm cửa hàng
An Khang, thuộc sở hữu của Thế Giới Di Động (MWG), từng đặt mục tiêu mở rộng lên 2.000 cửa hàng. Tuy nhiên, trước diễn biến cạnh tranh gay gắt và hiệu quả các cửa hàng không như kỳ vọng, từ đầu năm 2024, chuỗi này đã mạnh tay cắt giảm quy mô, đóng cửa 200 chi nhánh và chỉ còn 326 nhà thuốc hoạt động vào tháng 7/2024.
Giai đoạn tinh gọn đạt đỉnh vào tháng 7, khi chuỗi giảm tới 94 cửa hàng chỉ trong một tháng. Sau đó, An Khang tập trung ổn định hoạt động và không tiếp tục hoạt động cắt giảm thêm.
An Khang mạnh tay đóng cửa hơn 200 cửa hàng từ đầu năm |
Về kết quả kinh doanh, từ việc lỗ nhẹ vài tỷ đồng trong các năm 2019 và 2020, An Khang ghi nhận lỗ 306 tỷ đồng vào năm 2022, con số này tăng lên 343 tỷ đồng vào năm 2023. Trong 9 tháng đầu năm 2024, chuỗi nhà thuốc này tiếp tục lỗ thêm 320 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên 982 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ tái cơ cấu, doanh thu trong tháng 9 và 10/2024 đã có dấu hiệu tăng trưởng, trong khi mức lỗ cũng được thu hẹp.
Trong giai đoạn tới, MWG dự kiến sẽ hoàn thiện mô hình kinh doanh của An Khang và có thể tìm kiếm nguồn lực từ bên ngoài để cải thiện danh mục sản phẩm, nâng cao chuyên môn của đội ngũ dược sĩ, cũng như tối ưu vận hành hệ thống, nhằm đạt được mục tiêu hòa vốn và sinh lời.
>>Nhà thuốc An Khang đóng cửa hơn 200 cửa hàng từ đầu năm, lỗ lũy kế 982 tỷ đồng
Nhà thuốc An Khang đóng cửa hơn 200 cửa hàng từ đầu năm, lỗ lũy kế 982 tỷ đồng
Sếp FPT Retail bật mí cách dùng công nghệ để dẫn lối thành công của chuỗi nhà thuốc Long Châu