Thị trường fintech Việt Nam có thể cán mốc 18 tỷ USD vào cuối năm 2024
Những năm gần đây lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) đã có sự phát triển nhanh chóng.
Từ ngày 24-28/6, phái đoàn doanh nghiệp công nghệ Australia đến thăm và làm việc tại TP Hồ Chí Minh thông qua Chương trình Giao thương Australia - Đông Nam Á (A-SEABX). Chương trình đã khai mạc tại TP Hồ Chí Minh ngày 24/6.
Tại đây, ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm ủy ban ứng dụng fintech (VBA), Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ, dự kiến thị trường fintech ở Việt Nam có thể sẽ cán mốc 18 tỷ đô la Mỹ vào cuối năm 2024.
Ông Dinh cho biết, hiện thị trường fintech Việt Nam đang phát triển nhiều phân khúc, trong đó chủ yếu là tài chính cá nhân (dịch vụ quản lý tài sản kỹ thuật số, chuyển tiền); thanh toán số (mua hàng trực tuyến, POS); tài chính thay thế (cho vay ngang hàng P2P…); dịch vụ tài chính B2C (ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm)…
Những năm gần đây lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) đã có sự phát triển nhanh chóng. Theo thống kê trong giai đoạn 2018-2022, số lượng công ty fintech mới đã tăng hơn 180% với hơn 260 startup.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và Internet cao nhất trong khu vực: Hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng điện thoại di động, trong đó hơn 60% là người dùng Internet.
Dù có nhiều tiềm lực phát triển nhưng các chuyên gia tại diễn đàn cho rằng, hiện vẫn còn một số thách thức và rủi ro cho các nhà đầu tư vào thị trường fintech Việt Nam.
Ông Daniel Boyer, Phó giám đốc điều hành của Cơ quan thương mại và đầu tư Chính phủ Úc cũng chia sẻ, Chính phủ Việt Nam và khối doanh nghiệp đang ưu tiên số hóa ngành dịch vụ và đầu tư vào công nghệ mới.
Theo Google, Temasek và Bain & Company, trong năm 2023, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam tăng trưởng 19%, trị giá hơn 30 tỷ USD, xếp thứ ba ở Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan. Đến năm 2030, nền kinh tế số của Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt giá trị 120-200 tỷ đô la Mỹ.
Hình ảnh tại Diễn đàn công nghệ Úc – Việt Nam 2024, nguồn: Internet |
Chương trình Giao thương Australia - Đông Nam Á là sáng kiến của Chính phủ Australia nhằm phát triển thương mại song phương giữa Australia và Đông Nam Á và giới thiệu các cơ hội thương mại và đầu tư tiềm năng giữa Australia và 10 quốc gia Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Lào, Timor-Leste và Brunei.
Các hoạt động giao thương và đầu tư sẽ tập trung vào 10 lĩnh vực ưu tiên gồm Nông nghiệp và Thực phẩm, Quản lý tài nguyên, Chuyển đổi Năng lượng xanh, Cơ sở hạ tầng, Giáo dục và đào tạo nghề, Du lịch và lữ hành, Y tế, Kinh tế số hóa, Tài chính và các ngành Công nghiệp sáng tạo.
Chính sách cho Fintech: Chờ đợi và quan sát
Công ty fintech đột ngột phá sản, hàng chục nghìn tài khoản ở Mỹ bị đóng băng