Thị trường M&A năm 2025: Khối ngoại sẽ quay trở lại?
TS Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc, Bộ phận Tư vấn thương vụ KPMG Việt Nam dự báo thị trường M&A của Việt Nam sẽ "nở hoa", đạt được những con số ấn tượng. Cùng với đó, thị trường cũng sẽ đón nhận sự trở lại của nhà đầu tư nước ngoài, sau khi các nhà đầu trong nước đã dẫn đầu thị trường trong 9 tháng năm 2024.
Việt Nam - Điểm sáng giữa bức tranh ảm đạm
Thị trường M&A khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang tiếp tục trải qua giai đoạn ảm đạm khi ghi nhận mức giảm 5% trong 9 tháng năm 2024 (so với cùng kỳ), đưa giá trị M&A xuống mức thấp nhất trong 10 năm qua còn 263 tỷ USD. Giá trị này thấp hơn mức đỉnh của 9 tháng năm 2021 khoảng 51,5%.
Trung Quốc và Australia là hai thị trường có mức giảm lớn, lần lượt giảm 41% và 7% so với cùng kỳ, kéo mức giảm đáng kể của tổng giá trị M&A cả khu vực.
Ngược lại, Ấn Độ lại là một điểm sáng khi ghi nhận tăng trưởng 66% so với cùng kỳ.
Diễn biến tại Đông Nam Á cũng không tránh khỏi xu hướng ảm đạm chung của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. |
Diễn biến tại Đông Nam Á cũng không tránh khỏi xu hướng ảm đạm chung của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Giá trị giao dịch M&A của 6 nước Đông Nam Á giảm 8,4% so với cùng kỳ, chủ yếu giảm ở 3 thị trường là Thái Lan (giảm 67,7%), Philippines (giảm 18,6%) và Singapore (giảm 1,8%).
Ba thị trường đạt tăng trưởng dương là Malaysia (tăng 12%), Indonesia (tăng 63,7%) và Việt Nam (tăng 45,9%).
Theo các chuyên gia của KPMG Việt Nam, mức tăng trưởng của Việt Nam được thúc đẩy bởi các thương vụ M&A nội địa lớn, đặc biệt là 4 giao dịch của Vingroup và Masan Group với tổng giá trị 1,9 tỷ USD, tương đương 58% tổng giá trị giao dịch M&A. Giá trị giao dịch trung bình của các thương vụ được công bố tăng đáng kể, đạt 56,3 triệu USD khi thương vụ lớn chiếm lĩnh thị trường.
Xét về cơ cấu ngành, TS Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc, Bộ phận Tư vấn thương vụ KPMG Việt Nam, nhận định rằng đã có sự dịch chuyển trong ngành hàng thu hút M&A. Theo đó, bất động sản (53%), tiêu dùng thiết yếu (14%) và công nghiệp (21%) tổng cộng chiếm 88% giá trị giao dịch 9 tháng năm 2024 và cũng nằm trong 5 giao dịch lớn nhất. Đặc biệt, hàng tiêu dùng thiết yếu và công nghiệp đã thay thế hai ngành là tài chính và y tế đóng góp nhiều nhất về giá trị giao dịch, trong khi bất động sản vẫn duy trì thị phần giao dịch M&A đáng kể và dẫn đầu tỷ trọng.
Đáng nói, năng lượng và dịch vụ tiện ích là hai ngành đã có nhiều thương vụ M&A sôi nổi trong năm 2022 với tổng giá trị giao dịch 758 triệu USD, nhưng gần như vắng bóng trong năm 2023 và 9 tháng năm 2024.
Xét về nhà đầu tư, các nhà đầu tư trong nước đang dẫn đầu thị trường, chiếm 53% tổng giá trị thương vụ M&A. Top 4. nhà đầu tư nước ngoài tiếp theo là Singapore (611 triệu USD), Mỹ (256 triệu USD), Hàn Quốc (93 triệu USD) và Trung Quốc (75 triệu USD), đóng góp 32% giá trị giao dịch thị trường.
TS Nguyễn Công Ái nhấn mạnh rằng Nhật Bản đã “rơi” khỏi top 5, đánh dấu lần đầu tiên quốc gia này không tham gia vào danh sách các nhà đầu tư dẫn đầu trong thị trường M&A tại Việt Nam kể từ năm 2021.
Thị trường sẽ đạt được những con số ấn tượng
Dù giá trị các thương vụ trong 9 tháng năm 2024 tăng trưởng khá tích cực so với cùng kỳ, tuy nhiên phải nhấn mạnh rằng mức nền so sánh cùng kỳ là khá thấp, do đó giá trị của 3 quý năm 2024 vẫn được đánh giá khá khiêm tốn so với mức đỉnh trước đó.
TS Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc, Bộ phận Tư vấn thương vụ KPMG Việt Nam. |
TS Nguyễn Công Ái dự đoán trong quý IV/2024, Việt Nam có thể ghi nhận thêm 1 vài thương vụ được ký kết, đẩy mức tổng giá trị giao dịch M&A của năm 2024 lên cao hơn so với năm 2023, tuy nhiên mức tăng trưởng chỉ có thể dừng ở 10-20%.
Nhìn về năm 2025, ông Nguyễn Công Ái dự báo thị trường M&A của Việt Nam sẽ "nở hoa", đạt được những con số ấn tượng. Bên cạnh những ngành hàng thu hút đầu tư như bất động sản, hàng tiêu dùng, sản xuất, thị trường sẽ có sự đóng góp của các ngành như IT, công nghệ, cùng với đó là sự trở lại của nhóm ngành tài chính, ngoài ra là các ngành chăm sóc sức khỏe, giáo dục cũng được khối ngoại quan tâm.
Bên cạnh đó, năm 2025 cũng có thể sẽ đón nhận sự trở lại của nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ riêng trong những ngày qua, thị trường chứng khoán đã chứng kiến sự mua ròng trở lại của nhà đầu tư nước ngoài.
TS Nguyễn Công Ái kỳ vọng khối ngoại sẽ sớm giành lại vị trí dẫn đầu trên thị trường M&A, cùng với đó là sự trở lại của nhà đầu tư Nhật Bản, cũng như sự đóng góp của Mỹ và Trung Quốc.
3 yếu tố giúp thị trường M&A Việt Nam "nở hoa" trong năm 2025
riển vọng của thị trường M&A trong trung và dài hạn được KPMG đánh giá tốt, được thúc đẩy bởi ba yếu tố chính. Thứ nhất là nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc. Theo đó, GDP được dự báo tăng trưởng trên 6% trong năm 2024 và 2025; xuất khẩu tăng 15,4% tron 9 tháng năm 2024, lạm phát dự kiến ổn định ở mức 3,5% năm 2024 và 2025; FDI dự báo tăng trưởng 8-9% trong năm 2025, tín dụng xanh tăng trưởng trung bình 22%/năm giai đoạn 2017-2023, chiếm 4,5% tổng tín dụng 9 tháng năm 2024.
Thứ hai là chính sách tập trung vào công nghệ/AI và thế hệ người dùng am hiểu công nghệ. Theo đó, Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đặt mục tiêu 30% GDP từ kinh tế vào năm 2030. Người tiêu dùng Việt Nam bắt kịp nhanh với công nghệ, đi kèm với thu nhập ngày càng tăng. Thương mại điện tử cũng đang đạt mức tăng trưởng cao 30,4% CAGR (2018-2023), với triển vọng tăng 20,8% CAGR trong giai đoạn 2024-2028.
Thứ ba là việc phát triển cơ sở hạ tầng. Yếu tố này được cho rằng đã cản trở sự phát triển trước đây của Việt Nam, trong khi giờ đây trở thành động lực phát triển với các dự án lớn như Sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt Bắc Nam,…
Bên cạnh các động lực này thì ông Nguyễn Công Ái cũng nhấn mạnh về các rủi ro, thách thức đối với tăng trưởng của thị trường M&A như rủi ro địa chính trị, rủi ro về chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ, rủi ro về chính sách mới của Mỹ cũng như sự phục hồi chậm của thị trường bất động sản trong nước.
Ông Nguyễn Công Ái khuyến cáo, doanh nghiệp khi M&A cần tiếp cận thẩm định đa chiều, toàn diện để xác định rủi ro cũng như đánh giá tiềm năng tăng trưởng của công ty.
Các yếu tố tài chính, thương mại, pháp lý và ESG (môi trường -xã hội -quản trị), cần được cân nhắc để đảm bảo thương vụ phù hợp với yêu cầu đa chiều của bên mua và tạo ra giá trị lâu dài cho các bên.
>>Thủ tướng yêu cầu NHNN đưa tiền ra và hút tiền về nhịp nhàng, không giật cục