Đến thời điểm hiện tại, thị trường nhà cho thuê giá rẻ hướng tới đối tượng sinh viên, công nhân, người lao động tự do đang rơi tình cảnh “đóng băng” vì dịch bệnh. Đại dịch kéo dài khiến nhóm khách thuê này rời thành phố, quay trở về quê sống khiến tỉ lệ phòng trống tăng mạnh, dù giá có giảm sâu cũng không có người hỏi thuê.
Cuối tháng 4, dịch bệnh Covid-19 bùng phát thì trong tháng 5, đầu tháng 6, phân khúc nhà trọ giá rẻ đã chứng kiến làn sóng trả phòng. Khách thuê là sinh viên, công nhân, người lao động đều quay trở về quê. Sinh viên chuyển sang hình thức học online, nhiều nhà hàng, cơ sở dịch vụ đóng cửa, công trường ngừng hoạt động khiến công nhân, người lao động tự do mất việc. Họ buộc phải rời thành phố khi không còn kế mưu sinh.
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn khi đó, giá thuê phòng trọ các khu vực Quan Hoa, Dịch Vọng Hậu, đường Cầu Giấy, Trần Thái Tông (Cầu Giấy) Nguyễn Trãi, Phùng Khoang, Hạ Đình, Khương Đình, Thượng Đình, Triều Khúc (Thanh Xuân), Đình Thôn, Trung Văn, Mễ Trì, Mỹ Đình (Nam Từ Liêm), Định Công (Hoàng Mai) dao động phổ biến từ 1,8-2,5 triệu đồng/căn/tháng. Mức giá rẻ hơn 1-1,5 triệu đồng/tháng là những căn nhà trọ cấp 4, vệ sinh chung nằm sâu trong các ngõ ngách của các khu vực trên.
Đến thời điểm hiện tại, dù giá thuê giảm 10-20% nhưng thị trường vẫn rất hiếm khách thuê. Tuy nhiên, theo các chủ nhà trọ, thời điểm tháng 5, tháng 6, dù nhiều người trả phòng nhưng làn sóng rời đi chỉ chiếm khoảng 30% tổng lượng khách thuê. Thực tế, khoảng 70% lượng khách thuê còn lại, nếu có mất việc vẫn bám trụ lại để tìm công việc khác. “Họ buộc phải ở lại Hà Nội tìm công việc khác, còn về quê thì không có việc để làm”, bà Nguyễn Thị Nụ, chủ một khu nhà trọ tại Cầu Giấy cho biết.
Thế nhưng dịch bệnh kéo dài đến tận thời điểm hiện tại, khiến số lượng người thất nghiệp tăng cao và những người thất nghiệp từ trước càng khó tìm việc, số khách thuê trả phòng, về quê tăng mạnh. “Đến giữa tháng 7, khu trọ của tôi chỉ còn hơn 40% khách thuê, một nửa số phòng bị bỏ trống. Tôi treo biển hàng tháng trời và sẵn sàng giảm giá thuê xuống chỉ còn một nửa so với trước dịch cũng không có người hỏi thuê”, bà Nụ cho biết. Hơn chục năm cho thuê phòng, đây là thời kì bà Nụ “thất thu” nhất với dãy phòng trọ. Hiện tại, với những khách thuê còn lại, bà cũng đã giảm một nửa tiền phòng nhưng phần lớn người thuê đều xin nợ, hẹn thanh toán sau. Bà Nụ cũng thông cảm bởi do giãn cách, khách thuê là công nhân tại các công trường, giúp việc theo giờ, dọn vệ sinh, nhân viên chạy bàn các nhà hàng đều không có việc nên không có nguồn thu.
Ông Lê Văn Nam, chủ khu trọ 20 phòng ở Mễ Trì cũng cho biết, dãy trọ của ông có 9 phòng trống khách từ tháng 6 và đến giờ vẫn chưa có người thuê. Trước khi có dịch, ông chỉ cần treo biển cho thuê vài ngày là đã có khách thì nay tấm biển cho thuê đã treo đến hơn 2 tháng nhưng các phòng vẫn trống. Khu nhà trọ của ông chủ yếu là sinh viên, vợ chồng trẻ, người trẻ mới đi làm thuê ở với mức giá 1,5-1,9 triệu đồng/phòng/tháng. Bản thân vẫn còn nợ ngân hàng khi đầu tư dãy nhà trọ này nhưng dịch bệnh ông Nam vẫn miễn 1/3 tiền phòng cho những người đang thuê.
Những biển cho thuê phòng trọ đang được treo dày đặc ở các khu vực vốn được mệnh danh là “thiên đường” nhà trọ giá rẻ như Quan Hoa, Dịch Vọng Hậu, đường Cầu Giấy, Trần Thái Tông (Cầu Giấy) Nguyễn Trãi, Phùng Khoang, Hạ Đình, Khương Đình, Thượng Đình, Triều Khúc (Thanh Xuân), Đình Thôn, Trung Văn, Mễ Trì, Mỹ Đình (Nam Từ Liêm), Định Công (Hoàng Mai) nhưng khách hỏi thuê gần như không có. Những xóm trọ đang đìu hiu, vắng lặng hơn bao giờ hết.
Chị Trương Thanh Bình, chủ nhà trọ ở Tân Mỹ (Nam Từ Liêm) chia sẻ, 8 phòng trọ của chị đang trống 5 phòng một tháng rưỡi nay nhưng chị đã cất biển cho thuê nhà từ đầu tháng và dừng việc dán tờ rơi ở các bảng tin, cột điện và dừng cả việc đăng tin trên mạng xã hội để tìm khách. “Tôi không có ý định tìm khách vì giai đoạn này việc tìm được khách gần như không thể. Quan trọng hơn là dịch bệnh phức tạp, tôi cũng e ngại người thuê mới vì không biết họ đã đi đâu, tiếp xúc với ai, liệu có mang bệnh trong người không. Tôi đợi hết giãn cách xã hội rồi mới tính tiếp”, chị Bình thở dài chia sẻ.