Triển vọng trong tương lai của ngành thép phụ thuộc vào tiến độ giải ngân đầu tư công trong những năm tới khi lượng tồn kho cao, bất động sản đóng băng.
Nhu cầu tại các thị trường Nam Á dự kiến sẽ dần phục hồi với việc mở cửa biên giới trở lại của quốc gia sử dụng thép thô lớn nhất thế giới là Trung Quốc và quốc gia này cũng công bố biện pháp hỗ trợ lĩnh vực bất động sản.
Tuy nhiên, nhiều dự báo trái chiều cho thấy giá thép có thể sẽ tiếp tục theo hướng kém tích cực trong nửa đầu năm 2023 khi Fed chưa cho thấy dấu hiệu hạ lãi suất trong năm nay. Bi quan hơn là giá thép có thể sẽ tiếp tục đi xuống trong suốt năm 2023 và bắt đầu hồi phục vào đầu năm sau.
Giá thép giao kỳ hạn tháng 10/2023 trên sàn giao dịch Thượng Hải ở mức 4,130 Nhân dân tệ/tấn.
Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel) đã công bố bản cập nhật Triển vọng Ngắn hạn (SRO) mới nhất tháng 10/2022 cho năm 2023.
Worldsteel ước tính nhu cầu thép sẽ giảm 2,3% trong năm 2022 đạt 1.796,7 triệu tấn. Trong khi đó nhu cầu thép năm 2023 được dự báo sẽ phục hồi 1,0% để đạt 1.814,7 triệu tấn. Dự báo hiện tại điều chỉnh giảm so với dự báo trước đó, phản ánh tác động của lạm phát cao liên tục và lãi suất tăng trên toàn cầu. Lạm phát cao, thắt chặt tiền tệ và suy thoái của Trung Quốc đã góp phần gây ra một năm 2022 khó khăn, nhưng nhu cầu cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ nâng nhẹ nhu cầu thép năm 2023.
Thị trường thép trong nước có khả năng phục hồi
Dự báo mới đây của Hiệp hội thép Thế giới cũng nhận định, nhu cầu thép thế giới sẽ hồi phục nhẹ trong năm 2023, ở mức +1% (đạt 1,8 tỷ tấn), sau khi suy giảm 2,3% trong năm 2022 (đạt 1,79 tỷ tấn) và đà phục hồi giá thép trở nên rõ rệt hơn kể từ đầu tháng 12/2022 đến nay.
Hiện giá bán bình quân thép xây dựng của Việt Nam tính từ đầu tháng 12 cho tới nay tăng từ 0,4-1% so với tháng 11/2022, vẫn thấp hơn nhiều so mức tăng của các nước trên thị trường thế giới (từ 2,9 đến 4,7%) tùy theo khu vực.
Do đó, dư địa tăng giá bán và nâng cao năng lực cạnh tranh của thép Việt Nam còn nhiều.
Theo các chuyên gia ngành thép, đây có thể sẽ là cơ hội tốt cho hoạt động thương mại quốc tế của ngành thép trong nước trong việc tìm kiếm thêm các đối tác tiềm năng, mở lối đi rộng hơn cho hoạt động xuất khẩu.
Từ đó, có thể giúp Việt Nam có cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới mở rộng thị phần quốc tế, cải thiện biên lợi nhuận của các nhà sản xuất.
Cùng với đó, khi nhu cầu giải ngân vốn đầu tư công (dự kiến có khoảng 793 nghìn tỷ đồng) trong năm 2023 tăng lên cũng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy xây dựng các dự án hạ tầng, công trình trọng điểm, giúp ngành thép tạo thêm đà tăng trưởng.