Thị xã trực thuộc tỉnh giàu nức tiếng miền Bắc vừa được Bộ Nội vụ thẩm định hồ sơ lên thành phố
Khi thị xã này chính thức “lên chức”, tỉnh giàu nức tiếng tại miền Bắc sẽ sở hữu 5 thành phố.
Theo quy hoạch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, thị xã Đông Triều (nằm ở phía Tây tỉnh) dự kiến sẽ trở thành thành phố vào năm 2025. Đến năm 2030, Đông Triều được định hướng phát triển thành đô thị loại II, với tiêu chuẩn hạ tầng kinh tế - xã hội và kỹ thuật đạt đô thị loại I.
Mới đây, Bộ Nội vụ đã thẩm định hồ sơ thành lập thành phố Đông Triều, dự kiến sẽ trở thành thành phố thứ năm của tỉnh Quảng Ninh. Việc nâng cấp Đông Triều từ thị xã lên thành phố không chỉ là nhu cầu thực tiễn mà còn phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Đông Triều đạt 14%, giúp địa phương này dẫn đầu toàn tỉnh trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người tại thị xã Đông Triều năm 2023 đạt hơn 163,2 triệu đồng/người/năm, cao hơn 1,6 lần so với mức bình quân cả nước.
>> Láng giềng Việt Nam 'rót' gần 200 triệu USD vào thành phố cảng biển lớn nhất miền Bắc
Ngoài ra, Đông Triều còn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với 120 di tích và danh thắng. Sau khi thành lập thêm 4 phường Bình Dương, Thủy An, Bình Khê và Yên Đức, thị xã Đông Triều có tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã đạt 66,67% (14/21 đơn vị), đủ tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc tỉnh.
Phương án thành lập TP. Đông Triều sẽ dựa trên nguyên trạng hiện tại, với diện tích 395,950km² và dân số 248.896 người. Theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thành phố, thị xã Đông Triều đã đạt đủ 5/5 tiêu chuẩn để trở thành thành phố thuộc tỉnh.
Khi Đông Triều chính thức trở thành thành phố, tỉnh Quảng Ninh sẽ có 5 thành phố, bao gồm: Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái và Đông Triều. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đang triển khai các thủ tục để đề nghị thành lập TP. Quảng Yên vào năm 2025.
Ngoài ra, theo phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh Quảng Ninh, sẽ có 12 xã, phường tại 5 địa phương được sáp nhập. Trong đó, tại thị xã Đông Triều, phường Đông Triều sẽ sáp nhập vào phường Đức Chính và xã Tân Việt sẽ sáp nhập vào xã Việt Dân.
Tương tự, tại TP. Móng Cái, phường Hòa Lạc sẽ sáp nhập vào phường Trần Phú; tại TP. Hạ Long, phường Trần Hưng Đạo sẽ sáp nhập vào phường Yết Kiêu; tại TP Cẩm Phả, xã Cẩm Hải sẽ sáp nhập vào xã Cộng Hòa và tại huyện Ba Chẽ, xã Minh Cầm sẽ sáp nhập vào xã Lương Mông. Sau quá trình sắp xếp, số lượng xã, phường, thị trấn của tỉnh Quảng Ninh sẽ giảm từ 177 xuống còn 171.
Việc sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập và tổ chức lại bộ máy cán bộ sẽ được thực hiện đảm bảo đúng quy định, quyền lợi hợp pháp và chính đáng của các cán bộ, nhân viên liên quan.
Theo Tổng cục Thống kê, trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội và TP. HCM lần lượt đứng đầu về mức sống đắt đỏ nhất cả nước. Tuy nhiên, xét riêng các tỉnh, Quảng Ninh đứng đầu với chỉ số SCOLI đạt 97,94% so với Hà Nội.
Khách sạn tự phong đạt 4 sao, hoạt động không phép ở Quảng Ninh
Huyện miền núi ít dân số nhất tỉnh Quảng Ninh sắp có cụm công nghiệp gần 800 tỷ đồng