Thiết kế tàu du lịch trên vịnh biển đẹp nhất thế giới của Việt Nam không còn rập khuôn theo mẫu, tránh nguy cơ trăm tàu như đúc
Quy định mới cho phép các chủ tàu được lựa chọn kiểu dáng kiến trúc phù hợp với đặc thù cảnh quan của vịnh biển, giúp khôi phục sự đa dạng và tính sáng tạo trong thiết kế tàu du lịch.
Từ năm 2016, các tàu du lịch tham quan ban ngày (tàu tiếng) trên vịnh Hạ Long khi đóng mới hoặc thay thế đều phải tuân theo một số mẫu nhất định do UBND tỉnh Quảng Ninh quy định. Điều này đã dẫn đến việc trên vịnh Hạ Long xuất hiện nhiều tàu có thiết kế tương đồng, vì nhiều chủ tàu thường chọn một mẫu mà họ cho là phù hợp nhất trong số ít các mẫu được tỉnh Quảng Ninh quy định.
Trước năm 2016, đội tàu du lịch tham quan ban ngày trên vịnh Hạ Long rất phong phú về kiểu dáng do các chủ tàu được tự do sáng tạo. Nhờ vậy, vịnh Hạ Long như được khoác lên mình một bức tranh đa dạng, đầy màu sắc với hàng trăm con tàu có thiết kế độc đáo. Tuy nhiên, từ khi có quy định đóng tàu theo mẫu, sự đa dạng đó dần mất đi. Việc không còn tự do sáng tạo khiến các tàu du lịch ngày càng trở nên đơn điệu.
Theo một số chủ tàu, nếu quy định này tiếp tục được duy trì, vịnh Hạ Long sẽ có hàng trăm tàu du lịch giống nhau về thiết kế, bởi trong số hơn 500 tàu du lịch, phần lớn là tàu tiếng, còn lại là khoảng 170 lưu trú. Riêng với các loại tàu lưu trú hoặc tàu nhà hàng, các chủ tàu được phép tự do thiết kế, thoải mái sáng tạo để tạo nên những chiếc tàu đẹp theo ý muốn, do đó, mỗi tàu đều có kiểu dáng và kiến trúc riêng biệt, độc đáo.
Trước các ý kiến đóng góp từ các chủ tàu và doanh nghiệp, dự thảo kế hoạch “Phát triển, nâng cao chất lượng đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đến năm 2030” đã được điều chỉnh. Theo đó, quy định mới cho phép các chủ tàu lựa chọn kiểu dáng kiến trúc phù hợp với đặc thù cảnh quan của vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, giúp khôi phục sự đa dạng và tính sáng tạo trong thiết kế tàu du lịch.
Đồng thời, tất cả các loại tàu, bao gồm tàu tiếng, tàu lưu trú và tàu nhà hàng vẫn phải tuân thủ các quy định: toàn bộ tàu phải được sơn màu trắng (ngoại trừ các bộ phận như con trạch, đệm va, tời, neo, cột bích, ống khói, cột buồm, phù điêu, logo, sàn và các thiết bị khác trên boong) và trang bị cánh buồm màu nâu.
Về cấp kỹ thuật, đối với tàu tham quan (tàu tiếng), yêu cầu tối thiểu là đạt cấp VR-SI (cho phép hoạt động tại các cửa sông và biển); tàu có trọng tải từ 200 khách trở lên khuyến khích đạt cấp VR-SB (cho phép hoạt động ven bờ biển theo các tuyến do Bộ Giao thông vận tải công bố nhưng không vượt quá 12 hải lý). Tàu có vỏ thép hoặc vật liệu tương đương; hệ số an toàn tối thiểu là 1,5; trọng tải từ 48 đến 300 ghế; tốc độ thiết kế tối thiểu 8 hải lý/giờ; thời gian hoạt động liên tục 24 giờ và tối đa 3 tầng,…
Đối với tàu nhà hàng, yêu cầu tối thiểu là đạt cấp VR-SI; đối với tàu có trọng tải từ 200 khách trở lên khuyến khích đạt cấp VR-SB. Tàu cần có vỏ thép hoặc vật liệu tương đương; tốc độ thiết kế tối thiểu 8 hải lý/giờ; thời gian hoạt động liên tục 24 giờ và đạt tiêu chuẩn tương đương tàu lưu trú 3 sao,…
Đối với tàu lưu trú, yêu cầu tối thiểu là đạt cấp VR-SI; đối với tàu có trọng tải từ 20 phòng ngủ trở lên khuyến khích đạt cấp VR-SB. Tàu cần có vỏ thép hoặc vật liệu tương đương; tốc độ thiết kế tối thiểu 8 hải lý/giờ; thời gian hoạt động liên tục 72 giờ, đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên,…
Hủy hàng loạt tour du thuyền đêm trên hai vịnh biển đẹp nhất thế giới của Việt Nam để tránh siêu bão