Theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2023-2025 cần đưa vào vận hành khoảng 19.000 MW nguồn điện mới đảm bảo đủ điện.
Vẫn lo thiếu điện, tìm cách ứng phó
Bộ Công Thương vừa có tờ trình lần thứ 5 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện 8.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, theo dự báo của Quy hoạch điện 8, giai đoạn 2023-2025 cần đưa vào vận hành khoảng 19.000 MW nguồn điện mới.
Trong đó các nguồn chính gồm 6.100 MW nhiệt điện (than, khí), 4.300 MW thủy điện, 4.400 MW điện gió trên bờ và khoảng 1.900 MW điện nhập khẩu từ Lào.
Theo số liệu từ các địa phương, đến năm 2025 sẽ đưa vào vận hành 4 dự án nhiệt điện với công suất 4.670 MW (An Khánh, Hiệp Phước giai đoạn 1, Nhơn Trạch 3,4, Vũng Áng 2), 176 dự án thủy điện với công suất 2.948 MW, 165 dự án điện gió trên bờ công suất 13.919 MW. Tổng công suất các dự án trên là khoảng 21.537 MW.
"Nếu các dự án nguồn điện thực hiện theo dự kiến như trên thì nguồn cung điện sẽ đáp ứng", Bộ Công Thương ước đoán.
Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro chậm tiến độ, nhất là đối với nguồn nhiệt điện và điện gió trên bờ.
Để giảm thiểu rủi ro trong cung ứng điện đến 2025, Bộ Công Thương cho rằng phải huy động đủ nguồn lực, cải tiến phương pháp quản lý điều hành để sớm đưa vào vận hành đường dây 500 kV liên kết giữa Bắc Trung Bộ - Bắc Bộ (đường dây Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - Nam Định) trước năm 2025. Đường dây này sẽ góp phần tăng dung lượng truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc và kịp thời giải tỏa công suất nguồn điện lớn như nhiệt điện Vũng Áng 1 và 2, nhiệt điện Quảng Trạch 1 để cấp điện cho khu vực Bắc Bộ.
Ngoài ra, Bộ này tính toán việc phải tăng cường nhập khẩu điện từ các nước trong khu vực. Trước hết, có thể đàm phán nâng cao sản lượng mua điện từ Trung Quốc lên 3,5 tỷ kWh trên các đường dây 220 kV hiện trạng từ phía Lào Cai và Hà Giang. Khi có điều kiện thuận lợi, xem xét thực hiện giải pháp mua điện Trung Quốc qua hệ thống Back-To-Back với quy mô công suất khoảng 2.000 MW, sản lượng khoảng 9 tỷ kWh/năm.
Đối với nhập khẩu điện từ Lào, cần sớm có giải pháp nhập khẩu cụm nguồn điện Nậm Ou trước năm 2025. Sau 2025, cần nhập khẩu thêm các nguồn điện tiềm năng khác của Lào về khu vực Bắc Bộ.
Để đảm bảo khả năng triển khai các nguồn điện, nhất là nguồn năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho rằng cần thường xuyên đôn đốc, đảm bảo tiến độ các nguồn điện nền như nhiệt điện Vũng Áng 2, Hiệp Phước, Nhơn Trạch 3,4, An Khánh...; Tạo điều kiện khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) theo vùng, đặc biệt là với các khu vực trung tâm phụ tải, có nguy cơ thiếu điện (Bắc Bộ).
"Coi phát triển điện mặt trời mái nhà là giải pháp ưu tiên để đảm bảo an ninh cung cấp điện. Hàng năm có đánh giá về hiệu quả trong phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà để đưa ra những điều chỉnh phù hợp", Bộ Công Thương bày tỏ.
Điện gió ngoài khơi vẫn "tắc"
Với nguồn điện gió ngoài khơi, Bộ Công Thương cho rằng việc nghiên cứu thí điểm giao EVN và các doanh nghiệp trong nước triển khai điện gió ngoài khơi gặp nhiều khó khăn.
Một là hành lang pháp lý cho phát triển điện gió ngoài khơi còn chưa rõ ràng (chưa phê duyệt Quy hoạch không gian biển Quốc gia, chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển).
Hai là pháp luật về đầu tư chưa quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư điện gió ngoài khơi.
Vì vậy, Bộ Công Thương khẳng định chưa có cơ sở pháp lý để giao cho EVN và các doanh nghiệp trong nước triển khai các dự án điện gió ngoài khơi.
Bộ Công Thương trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện lực sửa đổi đã đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư để quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi.
Trước mắt, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao EVN và các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, khảo sát về các điều kiện phát triển điện gió ngoài khơi, sẵn sàng triển khai khi có đủ cơ sở pháp lý để các cấp có thẩm quyền giao chủ đầu tư.
Bà chủ Xuyên Việt Oil khai về cuộc gọi với cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương
Giá xăng dầu tiếp tục giảm đồng loạt, về mức 20.520 đồng/lít