Có lẽ chỉ những ai đã phải lội bì bõm, dắt xe đi trong cơn mưa tầm tã và đường phố ngập ngang đùi; hay phải dọn đồ liên tục lên cao và ngủ vật vạ trên bàn ghế ngay chính trong ngôi nhà của mình do triều cương lên cao, ngập triền miên, thì mới cảm được sự vui mừng của người dân Cần Thơ khi được thoát ngập do triều cường, dù chỉ là những vận hành thử nghiệm…
Mưa lớn cùng triều cường gây ngập úng, là câu chuyện không còn xa lạ với người dân TPHCM, TP. Cần Thơ... |
Mưa cộng với triều cường gây ngập úng, là câu chuyện không còn xa lạ với người dân TPHCM, TP. Cần Thơ và một số thành phố lớn của các tỉnh miền Tây trong những năm gần đây. Tốc độ phát triển kèm với quy hoạch đô thị thiếu sự đồng nhất, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt đã khiến cho các hiện tượng thiên tai ngày càng trở nên phức tạp. Nước biển dâng, đồng bằng sụt lún, hệ thống sông ngòi, kênh rạch mất dần, các đô thị bị bê tông hóa trong khi hệ thống thoát nước không đủ sức tải đã khiến cho nhiều vùng ngày càng ngập sâu hơn, thiệt hại lớn hơn.
Đã có rất nhiều nghiên cứu, những giải pháp được đưa ra và triển khai trong suốt thời gian dài, nhưng dường như mọi chuyện "đâu vẫn vào đấy".
Đối với các tỉnh miền Tây và Cần Thơ thì tình trạng ngập do triều cường đỡ hơn, vì đỉnh triều thường rơi vào giai đoạn "mùa nước nổi" tức là vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch. Tuy nhiên, đối với TPHCM, từ đầu mùa mưa hằng năm (khoảng tháng 3 âm lịch) điệp khúc "bì bõm" cứ đeo đuổi người dân ngày ngày, tháng tháng theo con nước đến tận cuối năm.
Bất ngờ Cần Thơ...
Sáng ngày 31/10, người dân TP. Cần Thơ bỗng ngỡ ngàng vì nhiều tuyến đường thuộc khu vực trung tâm thành phố đã không còn cảnh ngập sâu dù triều cường vượt mức báo động 3 là 0,15m.
Theo thông tin từ Ban quản lý Dự án ODA TP. Cần Thơ, việc này là do TP. Cần Thơ đã cho vận hành thử hệ thống cửa van của âu thuyền Cái Khế và hệ thống cống, van ngăn thủy triều đổ vào trung tâm quận Ninh Kiều.
Công trình âu thuyền Cái Khế thuộc Dự án phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3), do Ban Quản lý dự án ODA TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư, với tổng giá trị hơn 436 tỷ đồng. Công trình khởi công vào tháng 9/2022 thời gian thi công 22 tháng. Cống được xây dựng trên rạch Cái Khế.
Ngoài âu thuyền Cái Khế, dự án 3 còn có gói thầu cải tạo hệ thống thoát nước ở 32 tuyến đường trên địa bàn quận Ninh Kiều và 2 trạm bơm. Dự án này được đánh giá vô cùng quan trọng, góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ hạ tầng vùng lõi trung tâm của thành phố trước tình hình triều cường dâng cao hằng năm.
Cống Cái Khế Thử nghiệm hiệu quả |
Cũng chính dự án này, cách đây 1 tháng, người dân và dư luận vẫn còn khá hoài nghi về tính hiệu quả khi từ ngày 30/9 đến 2/10, triều cường tại TP. Cần Thơ vượt báo động 3 khoảng 0,13m đã làm nhiều đường phố khu vực trung tâm ngập sâu. Nhiều cử tri đã thắc mắc, vì sao TP. Cần Thơ thực hiện dự án lắp đặt cống trên 32 tuyến đường nhưng vẫn ngập.
Thời điểm này Ban quản lý Dự án ODA TP. Cần Thơ cho biết dự án lắp cống 32 tuyến đường thuộc gói thầu CT3-PW-1.11 "Cải tạo hệ thống thoát nước trung tâm quận Ninh Kiều" thuộc dự án "Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị" (dự án 3) do Ban ODA làm chủ đầu tư. Mục tiêu của gói thầu CT3-PW-1.11 là nâng cấp hệ thống thoát nước chứ không phải nâng cao độ của đường nên hiện nay cứ triều cường lên là ngập. Đây không phải là dự án chống ngập mà việc cải tạo này trên 32 tuyến đường để hỗ trợ hệ thống thoát nước cũ khi có mưa lớn.
Ngoài gói thầu trên thì dự án 3 còn thực hiện 47 gói thầu khác như xây dựng kè sông Cần Thơ, các cống ngăn triều và âu thuyền, cải tạo nhiều con rạch trong Thành phố... Dự án 3 khi hoàn thành sẽ phát huy tác dụng chống ngập cho thành phố. Khi triều cường dâng cao, tất cả âu thuyền, cống được đóng lại để ngăn không cho nước từ sông vào vùng lõi. Nếu có mưa lớn sẽ sử dụng các máy bơm tại các cống, âu thuyền để bơm nước ra ngoài, từ đó tránh tình trạng ngập ở nội ô.
Và trên thực tế, mặc dù dự án chỉ mới hoàn thành khoảng 80% nhưng việc vận hành thử các cửa van đã giúp nội đô Cần Thơ thoát cảnh ngập nước.
Ngập triều trên đường Trần Xuân Soạn, Quận 7, TPHCM |
... Ngẫm Sài Gòn
Đầu tháng 10/2023, chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trả lời cử tri về việc thành phố đã dành 5.700 tỷ đồng để trả nợ cho siêu dự án ngăn triều nhưng do vướng thủ tục nên chưa thể thanh toán. Ông Mãi cho biết, hiện TPHCM đang xin cơ chế gỡ vướng, sớm thanh toán cho nhà đầu tư để khởi động lại dự án.
Dự án "Giải quyết ngập do triều cường có xét đến yến tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1" có tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đầu tư, nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cho diện tích 570km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.
Cống Mương Chuối thuộc dự án ngăn triều chưa được đưa vào sử dụng dù đã hoàn thành đến 90% |
Dự án được khởi công từ năm 2016 và đã tạm dừng thi công đến 3 lần vì nhiều lý do chủ quan, khách quan. Việc kéo dài một dự án cấp thiết cho thành phố trong thời gian hơn 7 năm đã khiến dự án gặp nhiều khó khăn về chi phí nhân công và lãi phát sinh tài chính liên quan.
Tháng 3/2023, dự án được gia hạn hợp đồng BT và kỳ vọng tiếp tục triển khai, hoàn thành cuối năm 2023. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, dự án tiếp tục đứng im, ảnh hưởng gián tiếp đến ngân sách và gây lãng phí nguồn lực tư nhân, mặc dù dự án được sự quan tâm rất sát từ các cấp có thẩm quyền.
Có thể thấy rằng, dù ở TPHCM hay ở Cần Thơ, lợi ích dân sinh từ công trình thủy lợi đô thị là vô cùng to lớn khi người dân được thoát khỏi điệp khúc dắt xe bì bõm giữa dòng nước triều khi tan tầm, là khi nhà cửa được sạch sẽ, là một giấc ngủ ngon không còn lo lắng nước cống theo con triều xộc vào nhà và là niềm hạnh phúc khi đô thị ngày một phát triển và nâng cao được đời sống nhân dân...
Liên danh Trung Nam E&C muốn làm gói thầu gần 1.800 tỷ đường nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu
Dự án ngăn triều 10.000 tỷ đồng của Trung Nam liên tục trễ hẹn