Thông tin kinh tế tài chính đầu phiên 8/12: S&P 500 giảm 5 phiên liên tiếp; giá vàng tiếp tục tăng; tỷ giá quay đầu giảm chờ Fed hành động;...
S&P 500 giảm 5 phiên liên tiếp
Chỉ số S&P 500 giảm phiên thứ 5 liên tiếp vào ngày thứ Tư (07/12), khi nhà đầu tư cân nhắc khả năng xảy ra suy thoái kinh tế và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có chu kỳ nâng lãi suất dài hơn dự kiến.
Kết phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 giảm 0.19% xuống 3.933,92 điểm; Dow Jones giảm 1,58 điểm - gần như đi ngang ở mức 33.597,92 điểm; Nasdaq Composite mất 0,51% còn 10.958,55 điểm.
Lợi suất trái phiếu cũng giảm, với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm chạm mức thấp 3,402%.
Chứng khoán Mỹ trồi sụt trong phiên đầy biến động với S&P 500 tăng tới 0,41%. Ở mức đáy trong phiên, chỉ số này đã giảm 0,47%.
Đồng USD quay đầu
7h30 sáng 8/12 (giờ Việt Nam), chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động của USD với rổ 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) ở mức 105,1 điểm - giảm 0,39% trong 24 giờ qua.
Nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu Constantinos Herodotou hôm 6/12 cho biết, lãi suất sẽ tăng trở lại nhưng đang ở “rất gần” mức trung lập.
Các nhà đầu tư phần lớn đang dự báo Fed sẽ giảm tốc độ nâng lãi suất với mức chỉ tăng 0,5 điểm phần trăm khi nhóm họp vào tuần tới thay vì 0,75 điểm phần trăm nhưng các đợt vừa qua.
Giá vàng hôm nay tăng hơn 1%
Giá vàng tăng hơn 1% được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ khi nhà đầu tư dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tộc độ nâng lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.
Kết phiên, hợp đồng vàng giao ngay tiến 1,1% lên 1.789,67 USD/oz; dợp đồng vàng tương lai tăng 0,9% lên 1.798 USD/oz.
Làm vàng trở nên ít đắt đỏ hơn đối với những người mua nước ngoài, đồng USD đã giảm 0,5% so với các đồng tiền chủ chốt khác. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng.
Giá dầu thế giới tiếp tục phá đáy 1 năm
Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay qua đó xoá sạch đà tăng kể từ khi cuộc xung đột Nga – Ukraine làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nguồn cung năng lượng toàn cầu tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Dầu đã vọt lên gần 140 USD/thùng vào tháng 3/2022, tiến gần mức cao kỷ lục mọi thời đại, sau khi Moscow triển khai “chiến dịch đặc biệt” ở Ukraine.
Thị trường đã giảm dần trong những tháng cuối năm khi các nền kinh tế chuẩn bị cho sự suy giảm tăng trưởng trên toàn thế giới một phần cho chi phí năng lượng tăng cao. Giá dầu giảm trong ngày thứ Tư một phần do dự trữ nhiên liệu tại Mỹ tăng mạnh hơn dự báo.
Kết phiên, hợp đồng dầu Brent giảm 2,18 USD (tương đương 2,8%) xuống 77,17 USD/thùng - thấp hơn mức 78.98 USD/thùng hồi đầu năm 2022; hợp đồng dầu WTI giảm 2,24 USD - mức đóng cửa thấp nhất từ đầu năm đến nay.
Ưu tiên nguồn lực giám sát 24/7 các hệ thống thông tin dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Thông tin kinh tế tài chính ngày 28/2: Phố Wall xanh trở lại, tỷ giá USD quay đầu