Doanh nghiệp

'Thủ phủ' công nghiệp miền Nam chi 12.000 tỷ đồng làm chuỗi cảng thủy nội địa

Thảo Đan 18/06/2024 - 21:06

Hệ thống cảng thủy nội địa tại tỉnh này nhằm cắt giảm chi phí, thời gian vận chuyển... góp phần giảm áp lực với hệ thống giao thông đường bộ.

Ngày 18/6, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương cho biết, theo thống kê, khoảng 70% hàng hóa thông qua các cảng lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. HCM là hàng container. Do đó, việc đầu tư phát triển dịch vụ vận tải container đi về, kết hợp giữa đường bộ và đường thủy nội địa từ các cảng biển vào sâu trong các khu công nghiệp, nhà máy trong nội địa đã trở nên rất cần thiết.

Tận dụng lợi thế với 2 con sông lớn là sông Sài Gòn và Đồng Nai đi qua, Bình Dương định hướng phát triển cảng thủy nội địa nhằm cắt giảm chi phí, thời gian vận chuyển, lưu thông hàng hóa; góp phần giảm áp lực đối với hệ thống giao thông đường bộ, tăng tính kết nối vùng.

Hiện nay, UBND tỉnh Bình Dương đang xem xét về đầu tư xây dựng dự án cảng cạn An Điền do Công ty Cổ phần Bến Cát Logistics đề xuất đầu tư tại phường An Tây (TP.Bến Cát) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 255 tỷ đồng.

Theo đánh giá, dự án cảng cạn An Điền phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phân khu và quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn. Nếu trong năm nay, UBND tỉnh Bình Dương thông qua dự án, nhà đầu tư bắt tay triển khai và dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2028.

Dự án cảng An Điền nằm ở phía Bắc của tỉnh Bình Dương, khi đi vào hoạt động sẽ là đầu mối tổ chức vận tải, kết nối các phương tiện vận tải hàng hóa, thúc đẩy vận tải đa phương thức, giảm chi phí logistics và nâng cao hiệu quả kinh tế khu vực.

Ngoài ra, tại sông Sài Gòn thuộc phường An Tây (TP. Bến Cát), Bình Dương cũng sẽ xây dựng cảng thủy quy mô lớn là cảng An Tây. Hiện nay, UBND tỉnh Bình Dương đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tìm đối tác có năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng cảng An Tây đúng theo quy định. Thời gian dự kiến thực hiện dự án từ nay đến năm 2027.

Cảng An Tây có diện tích 100ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng, công suất theo quy hoạch dự kiến đến 2030 đạt 7 triệu tấn/năm, có thể đón tàu chở container khoảng 3.000 tấn vận chuyển bằng đường thủy nội địa trên sông Sài Gòn.

>> Các dự án FDI chảy về vùng Đông Nam Bộ: Tuy nhỏ nhưng 'có võ'

Nhìn từ trên cao xuống bờ sông Sài Gòn đoạn qua Bình Dương
Sông Sài Gòn qua đoạn Bình Dương

Trong quy hoạch cảng thủy, Bình Dương dự kiến sẽ xây dựng Cảng Thái Hòa bên sông Đồng Nai thuộc phường Thái Hòa (TP. Tân Uyên). Cảng sẽ là đầu mối cung cấp linh kiện và nguyên liệu phục vụ cho các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương và khu vực Đông Nam Bộ. Dự án có quy mô dự kiến tới 300ha, vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng.

Bình Dương cũng đang nâng cấp cảng Thạch Phước tại khu vực phía Đông của tỉnh. Đây là cảng sông đầu tiên của tỉnh Bình Dương nằm tại hữu ngạn sông Đồng Nai tại phường Thạnh Phước (TP. Tân Uyên) đã đưa vào hoạt động giai đoạn 1. Cảng Thạnh Phước là cảng thủy nội địa cấp 3 được sử dụng để bốc xếp hàng hóa tổng hợp và container với quy mô 63ha gồm 16 cầu cảng có tổng vốn đầu tư 1.450 tỷ đồng. Cảng có khả năng tiếp nhận tàu và xà lan từ 1.000-2.000 tấn, tổng công suất bốc dỡ đạt 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Riêng giai đoạn 1 có diện tích xây dựng 25ha với tổng vốn đầu tư 780 tỷ đồng bao gồm 8 cầu cảng, đường bãi nhà kho, thiết bị bốc xếp… có công suất bốc dỡ hàng hóa 2,5 triệu tấn/năm và được đưa vào hoạt động giai đoạn đầu từ năm 2012.

Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, cảng cạn Thạnh Phước nằm trên hành lang vận tải Đắk Nông - Bình Phước - TP. HCM, có kết nối với đường ĐT.747A, Quốc lộ 13 và đường thủy nội địa sông Đồng Nai. Năng lực khai thác tới năm 2030 đạt 100.000-170.000 TEU/năm và nằm gần vị trí kết nối với 14 khu, cụm công nghiệp lớn ở Tân Uyên, Bắc Tân Uyên như VSIP 2A, VSIP3, Đất Cuốc... kết nối một số cảng quan trọng như Cảng Tổng hợp Bình Dương, Hiệp Phước, Cát Lái (TP. HCM), Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. Thủ tục xuất, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa đều có thể được thực hiện tại địa điểm Cảng Thạnh Phước.

Ở phía Nam, Bình Dương đầu tư dự án cảng cạn An Sơn có quy mô 33,2ha với tổng vốn đầu tư 2.299 tỷ đồng, tiếp nhận tàu có trọng tải đến 2.200 tấn, công suất bốc xếp hàng hóa qua cảng khoảng 800.000 tấn/năm.

Cảng có vị trí thuận lợi, tiếp giáp sông Sài Gòn thuộc địa phận xã An Sơn (TP. Thuận An). Khi đi vào hoạt động, cảng sẽ mang lại hiệu quả như giảm cước phí vận chuyển (bằng 45% đường sắt và 40% đường bộ); giảm áp lực lên hệ thống đường bộ đang quá tải. Ngoài việc xuất, nhập khẩu hàng hóa cho các KCN của tỉnh, cảng cạn An Sơn còn tham gia trung chuyển hàng hóa cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

>> Sau 5 tháng, Biwase (BWE) thu gần 1.500 tỷ đồng, cổ phiếu được chứng khoán BIDV khuyến nhị MUA

Dự án cảng biển trọng điểm hơn 48.000 tỷ tại Đà Nẵng 'lọt mắt xanh' của 'ông lớn' logistics Hà Lan

Cảng biển 150 tuổi tại Hải Phòng 'ấn định' thời gian di dời

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thu-phu-cong-nghiep-mien-nam-chi-12000-ty-dong-lam-chuoi-cang-thuy-noi-dia-239112.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Thủ phủ' công nghiệp miền Nam chi 12.000 tỷ đồng làm chuỗi cảng thủy nội địa
    POWERED BY ONECMS & INTECH