Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải mong người dân thông cảm do mất điện và cho biết đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo cung ứng điện.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 3/6, câu hỏi về nguy cơ thiếu điện và giải pháp để bảo đảm điện cho sinh hoạt và sản xuất trong thời gian tới đã được đặt ra với Bộ Công Thương.
Trả lời, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận hiện đã có tình trạng một số nơi thiếu điện. Thay mặt Bộ Công Thương, ông Hải chia sẻ khó khăn, vất vả, nỗi khổ của người dân trong sinh hoạt, cuộc sống hằng ngày và sản xuất do tình trạng mất điện gây ra.
Tuy vậy, theo ông, việc thiếu và mất điện tại Hà Nội và một số địa phương chỉ trong một thời gian nhất định.
Về nguyên nhân, theo ông Hải, trong 4 tháng đầu năm tình hình cung cấp điện ổn định, nhưng từ đầu tháng 5 đến nay nắng nóng kỷ lục, diễn biến khó lường và có thể còn kéo dài trong thời gian tới. "Nhu cầu điện sinh hoạt, sản xuất của người dân tăng nhưng nước về hồ thủy điện rất thấp, đặc biệt vào mùa khô. Nhiên liệu cho sản xuất điện, nhất là than nhập khẩu về chậm hơn", ông Hải nói.
Trước tình hình khó khăn trên, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện mức cao nhất, đặc biệt là trong giai đoạn ngắn hạn. Bộ Công Thương thực hiện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, với các giải pháp quyết liệt khẩn trương, đảm bảo cung ứng điện trong mùa nắng nóng.
Cụ thể, Bộ yêu cầu đảm bảo và tăng cường công tác vận hành hệ thống điện để huy động các nguồn điện sẵn có; đảm bảo nhiên liệu sẵn sàng cho cung ứng điện; rà soát công tác vận hành, chỉ đạo sẵn sàng nhiên liệu, trực ca, ứng trực trong vận hành thường xuyên; khắc phục sự cố để vận hành cung ứng điện.
Bộ cũng yêu cầu tăng cung ứng than cho sản xuất điện, điều tiết cung cấp than cho phát điện là 300.000 tấn cho tháng 5 và 100.000 tấn các tháng 6 và 7, tăng 18% lượng cấp khí cấp Đông Nam Bộ và 8% khí cấp cho Tây Nam Bộ cho sản xuất điện.
Một giải pháp nữa được ông Hải nêu ra là khẩn trương đưa nhà máy điện tái tạo vào cho phát điện. Ông cho biết, đến 31/5 có 7 dự án với hơn 430 MW chính thức phát điện và 40 dự án được phê duyệt giá tạm, hiện đang khẩn trương đưa thủ tục và các bước đưa điện lên lưới.
Cùng với đó, 59/85 tổng công suất 3.389,8 MW gửi hồ sơ đàm phán giá, hợp đồng mua bán điện, trong đó 50 dự án 2.751,6 MW đồng ý giá tạm bằng 50% giá trần khung giá. EVN và chủ đầu tư hoàn thành đàm phán, ký tắt PPA với 46 dự án. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 26 nhà máy (1.346 MW) chưa gửi hồ sơ đến EVN để đàm phán giá điện.
Về tiết kiệm điện, ông Hải cho rằng không phải thiếu điện mới tiết kiệm điện mà là chính sách xuyên suốt trong nhiều năm nay. Đơn cử như hoạt động tắt đèn tại chương trình giờ trái đất. “Trong tình hình hiện nay, việc tiết kiệm điện càng cần được triển khai rộng rãi”, ông Hải kêu gọi và cho hay đã phối hợp với các địa phương để đẩy mạnh tiết kiệm điện. Hàng ngày, lượng điện tiết kiệm là 20 triệu kWh/ngày, tương đương 2,5% lượng điện tiêu thụ.
"Với quy mô tổng công suất là 81.504 MW, nhu cầu phụ tải cao nhất 44.000 MW, nếu đảm bảo tổ máy không gặp sự cố, vận hành xuyên suốt, đủ nhiên liệu, đủ nước cho thủy điện, thì hoàn toàn có thể khắc phục thiếu điện, đảm bảo nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt", ông Hải thông tin.