Theo thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ, ngày 5/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc về triển khai sản xuất, kinh doanh năm 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng tham dự cuộc làm việc có đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Sau khi nghe Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo về tình hình hoạt động năm 2023, kế hoạch hoạt động, triển khai sản xuất kinh doanh năm 2024 và thúc đẩy đầu tư phát triển kinh tế xã hội của các doanh nghiệp, hội nghị đã nghe các doanh nghiệp, bộ, ngành, làm rõ thêm, bổ sung về các vấn đề trọng tâm, các nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới và nêu các giải pháp cụ thể trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn gắn với trách nhiệm thực hiện của cơ quan, đơn vị cụ thể và thời hạn hoàn thành; đồng thời, xác định lộ trình đề xuất sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế chính sách và pháp luật liên quan.
Các báo cáo, ý kiến tại hội nghị đánh giá thời gian qua và năm 2023, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã nỗ lực cơ bản thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp và thực hiện vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương.
Ủy ban đã tích cực, chủ động cùng các cơ quan quản lý Nhà nước tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy nguồn lực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, tài sản công, sắp xếp đất đai... Ủy ban đã cùng các tập đoàn, tổng công ty nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để triển khai, hoàn thành nhiều dự án đầu tư về kết cấu hạ tầng năng lượng, giao thông - vận tải trong năm 2023, trong đó có nhiều dự án lớn, quan trọng, đã chậm tiến độ nhiều năm.
19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đã cơ bản duy trì kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm 2023, trong đó hầu hết hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu, lợi nhuận trước thuế, nộp ngân sách Nhà nước; lợi nhuận và nộp ngân sách cao hơn năm 2022, góp phần quan trọng vào các kết quả phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
Năm 2023, 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế (riêng Vietnam Airlines giảm lỗ so với kế hoạch); 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách Nhà nước.
Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục thể hiện vị trí, vai trò chủ lực, nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước như năng lượng, hạ tầng giao thông, vận tải, viễn thông và công nghệ thông tin, công nghiệp, nông nghiệp... Các doanh nghiệp này đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, cung ứng ổn định các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu cho doanh nghiệp, người dân như điện, than, xăng dầu, hóa chất cơ bản, là tiền đề căn bản và động lực quan trọng để bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô... Các tập đoàn, tổng công ty cũng làm tốt các công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống của người lao động.
Tại hội nghị, theo chỉ đạo của Thủ tướng, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty đã nhấn mạnh những kết quả, điểm sáng nổi bật, những bài học kinh nghiệm quý, đồng thời chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong hoạt động của từng doanh nghiệp và nêu các đề xuất, kiến nghị.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng ý với báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đánh giá cao các ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp; đề nghị các cơ quan tiếp thu các ý kiến xác đáng, hoàn thiện, trình ban hành văn bản phù hợp sau hội nghị để tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những đóng góp của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty vào những thành tựu, kết quả chung của cả nước năm 2023, nhất là về tăng trưởng GDP, quản trị doanh nghiệp và đặc biệt là bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không say sưa, thỏa mãn, chủ quan với những thành tựu, kết quả đã đạt được. Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ ra các tồn tại, hạn chế trong hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, như còn có những vướng mắc về cơ chế, chính sách; đầu tư cho phát triển còn hạn chế, tỉ lệ giải ngân đầu tư công thấp hơn bình quân chung cả nước; đóng góp cho tăng trưởng GDP chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; hiệu quả đầu tư kinh doanh chưa cao.
Nguyên nhân chủ yếu là tính tích cực, chủ động, sáng tạo của lãnh đạo một số tập đoàn, tổng công ty chưa được phát huy mạnh mẽ; những vướng mắc pháp lý, nhất là về đất đai, đầu tư công, phân cấp, phân quyền; chính sách với cán bộ công tác tại doanh nghiệp, làm công tác quản lý vốn còn bất cập, chưa sát tình hình thực tế; quản trị doanh nghiệp vẫn chưa thực sự phù hợp với kinh tế thị trường, còn nhiều khâu trung gian, nhiều trường hợp gây ách tắc công việc; hậu quả của đại dịch COVID-19 vẫn còn, sức khỏe của doanh nghiệp bị bào mòn trong chống dịch, điển hình như Vietnam Airlines. Thủ tướng yêu cầu các bên cùng chia sẻ và tìm ra giải pháp cho các khó khăn, thách thức, vướng mắc nói trên.
Thời gian tới, Thủ tướng dự báo tình hình quốc tế, trong nước tiếp tục có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Các tập đoàn, tổng công ty nắm giữ nguồn lực lớn, thực hiện sứ mệnh lớn phải làm ăn có lãi, đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng GDP và ngân sách Nhà nước. Yêu cầu của năm 2024 với cả nước và với các tập đoàn, tổng công ty phải đạt kết quả cao hơn năm 2023.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động và nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty trong thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ 8 nội dung chủ yếu về các quan điểm quản lý, điều hành và các nhóm nhiệm vụ lớn với hoạt động của Ủy ban và các tập đoàn, tổng công ty thời gian tới.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các kết luận, nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, nắm chắc tình hình thực tiễn, cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, dự án, tổ chức thực hiện hiệu quả.
Cùng với đó, tập trung sửa đổi và đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các luật, nghị định, thông tư có liên quan để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về pháp lý, nhất là liên quan lĩnh vực giá, môi trường, tài nguyên, đất đai…, cụ thể như Nghị định số 10/2019/NĐ-CP về thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu, Nghị định số 95/2014/NĐ-CP về đầu tư và cơ chế tài chính hoạt động khoa học và công nghệ... Tinh thần là phân cấp, phân quyền nhiều hơn đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung thúc đẩy đầu tư phát triển, khắc phục bằng được hạn chế trong vấn đề này, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho 3 đột phá chiến lược của đất nước (thể chế, hạ tầng nhân lực), làm mới 3 động lực tăng trưởng cũ (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và bổ sung các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ)…
Thứ tư là tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty theo các kế hoạch đã được phê duyệt, trong đó tập trung 3 nội dung tái cấu trúc: (i) tái cấu trúc về quản trị theo hướng hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng nhân lực; (2) tái cấu trúc về tài chính; (3) tái cấu trúc về ngành nghề, nguyên vật liệu đầu vào… cho phù hợp xu hướng phát triển.
Thủ tướng lưu ý Uỷ ban phải tập trung định hướng vấn đề tái cấu trúc cho các tập đoàn, tổng công ty và việc đánh giá hoạt động của doanh nghiệp cần căn cứ hiệu quả tổng thể.
Cùng với đó, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, chủ động, tích cực hơn nữa, phát huy tinh thần tấn công mạnh mẽ, bản lĩnh, tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, kiên định các vấn đề nguyên tắc nhưng linh hoạt trong thực hiện công việc cụ thể, tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường.
Thủ tướng lưu ý phải không ngừng phát huy truyền thống, lịch sử phát triển qua nhiều năm của mỗi doanh nghiệp, tạo khí thế mới, động lực mới, kết quả mới, thắng lợi mới. Tích cực, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, công nhân, người lao động theo hướng năm sau phải cao hơn năm trước; đóng góp tích cực cho công tác bảo đảm an sinh xã hội.
Thủ tướng cho rằng các bộ, ngành, Ủy ban đã có nhiều kinh nghiệm hơn, phải phối hơp chặt chẽ, hiệu quả, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các đề xuất của doan nghiệp trên tinh thần tất cả vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự phát triển của các tập đoàn, tổng công ty; không đùn đẩy, né tránh, không phiền hà, sách nhiễu, cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức.
Các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách các lĩnh vực được phân công chủ động, tích cực, đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ, xử lý các vấn đề tập đoàn, tổng công ty đề xuất. Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác tham mưu, phát huy tinh thần đổi mới vì nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp.
Giao các nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ như các tập đoàn, tổng công ty mà nòng cốt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam không được để thiếu điện; Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bảo đảm đủ dầu, khí theo kế hoạch; Tập đoàn Than – Khoáng sản bảo đảm đủ than trên cơ sở kế hoạch dài hạn; Tổng Công ty Thép xử lý dứt điểm dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (TISCO 2); Vietnam Airlines cắt lỗ, xử lý các vấn đề tồn đọng; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam không để thiếu xăng dầu…
Thủ tướng lưu ý các cơ quan thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện phù hợp, không giật cục, không cầu toàn, không nóng vội; Bộ Công Thương cải tiến lại cơ chế quản lý đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hướng đơn giản, dễ kiểm tra, giám sát…
Về nhân sự, Thủ tướng yêu cầu bố trí đúng, trúng con người trên cơ sở căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước, bảo đảm công khai, dân chủ, khách quan, minh bạch.
Thủ tướng một lần nữa yêu cầu thành tích, kết quả chung của các tập đoàn, tổng công ty phải năm sau phải cao hơn năm trước, cụ thể là hiệu quả sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, đóng góp cho ngân sách, cho tăng trưởng phải cao hơn năm 2023, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tốt hơn, đóng góp cho an sinh xã hội nhiều hơn, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng, mang lại cuộc sống ngày càng hạnh phúc, ấm no cho nhân dân./.
Thủ tướng kiểm tra, đôn đốc 2 dự án cao tốc tại đồng bằng sông Cửu Long
FPT 'hiến kế' để hiện thực hoá giấc mơ về ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam