Thủ tướng đề nghị Samsung tích cực tham gia gói tín dụng 120.000 tỷ đồng
Nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Samsung tích cực tham gia triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Sáng 30/7, tại Bắc Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV).
Theo các báo cáo tại cuộc làm việc, các dự án lớn của Samsung tập trung tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP HCM, tính đến nay, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 19,8 tỷ USD, tỷ lệ giải ngân đạt 102%.
Tổng nhân lực của Samsung tại Việt Nam khoảng 100.000 người, trong đó, khối sản xuất chiếm 74%, kỹ sư chiếm 17%, khối văn phòng chiếm 7%, người lao động nước ngoài chỉ có 261 người.
Trong năm 2022, tổng doanh thu của các dự án của Samsung tại Việt Nam đạt khoảng 74 tỷ USD, xuất khẩu đạt 65 tỷ USD, đóng góp 17,5% giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hiện hơn 50% sản lượng điện thoại Samsung toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam và được xuất khẩu đi 128 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hằng năm, Samsung đóng góp vào ngân sách Nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng. Đến nay, đã có 51 doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cấp 1 của Samsung.
Samsung cũng đã đầu tư thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) lớn nhất khu vực Đông Nam Á có tổng vốn đầu tư 220 triệu USD tại Hà Nội (đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2022).
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao hoạt động đầu tư và những thành tựu, kết quả của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc ngày càng phát triển.
Trong hơn 2 năm qua, Thủ tướng đã có 4 chuyến thăm, làm việc tại các cơ sở của Samsung tại Việt Nam; 5 lần gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Samsung. Điều này khẳng định sự quan tâm của Chính phủ với các doanh nghiệp FDI.
Việt Nam đang đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng). Việt Nam có chính sách ưu tiên cho nhà đầu tư lớn, đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ số, tăng trưởng xanh, đầu tư hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và Samsung là nhà đầu tư hội tụ đủ các yếu tố này.
Việt Nam mong muốn Samsung tiếp tục coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất chiến lược, nghiên cứu - phát triển và sản xuất các sản phẩm chủ lực ra thị trường quốc tế; góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam; đầu tư mạnh hơn nữa vào các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động ngày càng tốt hơn, nhất là với lao động nữ; quan tâm đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo người Việt tại Samsung.
Thủ tướng cũng cho biết, Việt Nam đang rất quyết liệt chỉ đạo về vấn đề nhà ở cho công nhân, người có thu nhập trung bình, trong đó có việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, đề nghị Samsung tích cực tham gia triển khai gói tín dụng này.
Việt Nam cũng mong muốn Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia tại Hòa Lạc sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung tại Hà Nội, hai bên phối hợp chặt chẽ để phát triển.
Làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến các đề xuất, kiến nghị của Samsung, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi để tập đoàn đầu tư kinh doanh hiệu quả, ổn định, lâu dài, tiếp tục mở rộng và phát triển bền vững tại Việt Nam.
'Đại bản doanh' của Samsung tại Việt Nam sắp đón khu đô thị nghỉ dưỡng 10.000 tỷ
Cổ phiếu Samsung tăng vọt sau tuyên bố chi hơn 7 tỷ USD mua lại cổ phiếu quỹ