Thủ tướng liên tiếp ký Công điện 'mở đường' cho tín dụng bất động sản, liệu thị trường có thoát 'đáy'?
Trong bối cảnh thị trường trái phiếu vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan, doanh nghiệp vẫn đang phải “xoay xở" bán hàng, nhà đầu tư khủng hoảng niềm tin, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng để duy trì hoạt động.
Giải bài toán “đói vốn” của doanh nghiệp bất động sản
Ngày 24/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 993/CĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Công điện, Chính phủ giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiếp tục thúc đẩy việc cho vay tín dụng với lĩnh vực bất động sản; Có giải pháp phù hợp tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất; Tiếp tục rà soát cắt giảm hơn nữa các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, tốn kém để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn. Đồng thời, có chính sách khuyến mại tín dụng đặc biệt dành cho các dự án bất động sản khả thi, tiến độ triển khai nhanh, tạo động lực cho tăng trưởng và thúc đẩy thị trường bất động sản.
Trước đó, Thủ tướng cũng đã ký liên tiếp loạt Công điện để chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách. Cụ thể, gồm: Công điện ngày 12/12/2022 về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế; Công điện ngày 13/12/2022 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp; Công điện ngày 14/12/2022 về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở; Công điện ngày 25/5/2023 về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Như vậy, đã có tổng cộng 5 công điện liên quan đến bất động sản được Chính phủ ban hành thời gian qua.
Các chuyên gia bất động sản đánh giá, việc Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thúc đẩy cho vay bất động sản là chất "xúc tác" cực mạnh, giúp thị trường có khả năng phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên, còn phải phụ thuộc vào hành động quyết liệt từ các ngân hàng và giải pháp tháo gỡ pháp lý cho dự án từ cơ quan chức năng.
Ông Nguyễn Anh Quê, Chủ tịch Tập đoàn G6 cho biết, bản thân doanh nghiệp của ông cũng đang có nhu cầu vay để đầu tư bất động sản. “Doanh nghiệp không có nhu cầu vay đầu tư bất động sản, vì tâm lý sợ lãi suất cao, không dám vay hoặc có nhu cầu nhưng khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Do đó, nếu NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại thúc đẩy cho vay bất động sản và nới lỏng điều kiện sẽ là điều rất tốt cho phục hồi kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Đồng thời, giúp nút thắt về dòng chảy vốn giữa ngân hàng và các ngành kinh tế được tháo gỡ”.
“Hiện vay bất động sản lãi suất thấp nhất của cố định năm đầu là 8%/năm, 18 tháng là 9%, còn 24 tháng là 9.5%. Tuy nhiên, khi thả nổi sẽ vào khoảng 11 - 11.5%/năm. Thông thường, khi lãi suất thả nổi xuống 9.5 - 10.5%/năm thì thị trường sẽ tốt trở lại”, ông Quê nói.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cũng cho rằng, đây là tin vui cho thị trường bất động sản.
“Giai đoạn trước, lãi suất rất cao nên gần không ai muốn mua nhà. Họ phải chịu lãi suất lên tới 13 - 14%/năm. Theo đó, họ có tâm lý đi thuê và chờ đợi cơ hội mua sau. Tuy nhiên, việc Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy cho vay tín dụng bất động sản, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất, cắt giảm các thủ tục hành chính để doanh nghiệp, người mua nhà, dự án tiếp cận được nguồn vốn sẽ gỡ khó rất nhiều vấn đề cho thị trường hiện nay. Theo đó, nút thắt về nguồn vốn coi như đã một phần được cởi bỏ”, ông Toản nói.
Với cương vị là lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ông Toản cho rằng, hiện các doanh nghiệp “ngại” vay để phát triển dự án mới, trừ trường hợp hoàn thành nốt dự án. Bởi, các vấn đề về thủ tục hành chính vẫn chưa tháo gỡ để dự án có thể triển khai ngay.
Các DN bất động sản tràn đầy hy vọng với các cơ chế mới
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) nhận định, hiện nay vốn của các doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án bất động sản phụ thuộc chủ yếu vào 3 nguồn chính là ứng tiền từ khách hàng, phát hành trái phiếu bất động sản và vốn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, hiện dòng tiền từ các kênh này đều đang khó khăn.
Trong khảo sát mới đây của VARs với hơn 500 doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh dịch vụ bất động sản cho thấy các doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn.
Trong đó, có đến hơn 70% doanh nghiệp cho biết, các cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa thực sự phát huy được tác động tới doanh nghiệp.
Đối với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, TS. Nguyễn Văn Đính cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng để duy trì hoạt động.
“Mặc dù ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực điều chỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua nhiều đợt giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi,... doanh nghiệp và ngân hàng vẫn khó gặp nhau. Bởi các doanh nghiệp bất động sản không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn do sức khỏe của các đối tượng này vốn đã suy yếu từ lâu cùng với các khó khăn của thị trường”, TS. Đính nhận định.
Liên quan đến kết quả gỡ vướng các dự án bất động sản, báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng cho thấy đến nay cả nước có 486 dự án bất động sản đã được gỡ vướng. Trong đó, TP HCM giải quyết được 67/180 dự án, Hà Nội giải quyết được 419/712 dự án và đang tiếp tục giải quyết 293 dự án. Các địa phương khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận cũng đang tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án.
Trong lúc thị trường BĐS khó khăn, nguồn vốn là mối bận tâm lớn của nhiều doanh nghiệp, việc Chính phủ quan tâm kịp thời chắc chắn sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc cho những doanh nghiệp bất động sản có nhu cầu vay vốn và thị trường sẽ khởi sắc trở lại.
Thị trường bất động sản chỉ mới phục hồi được khoảng 30%, đà phục hồi rõ nét hơn dự báo sẽ bắt đầu từ nửa cuối năm 2024 khi các chính sách đã thẩm thấu mạnh hơn và một số luật quan trọng được thông qua.