Thúc đẩy hơn nữa đà phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội
Theo dự báo, thời gian tới, bối cảnh, tình hình sẽ tiếp tục có những khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp, vì vậy, đòi hỏi Chính phủ, các cấp bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt chú trọng công tác nắm tình hình, tăng cường năng lực phân tích, dự báo để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả...
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, TS. Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhìn nhận, Năm 2023, mặc dù đại dịch COVID – 19 ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu đã lắng xuống, nhưng những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nước ta trong quá trình phục hồi và phát triển chưa giảm.
Trong đó phải kể đến những tác động tiêu cực, kéo dài của dịch COVID-19; cạnh tranh địa chiến lược, các vấn đề địa kinh tế, chính trị giữa các nước lớn gia tăng rất gay gắt và phức tạp; xung đột tại Ukraine kéo dài và chưa đến hồi kết thúc; chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy cục bộ; các nước kiểm soát chặt chẽ tiền tệ và điều hành thận trọng chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát thế giới còn cao... Là một nước đang phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, độ mở của nền kinh tế lớn, Việt Nam chịu tác động rất mạnh bởi diễn biến của bối cảnh tình hình thế giới.
Trong bối cảnh khó khăn, thậm chí rất "ngặt nghèo", TS. Trần Hồng Nguyên đánh giá cao việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp hết sức tổng thể và toàn diện, hiệu quả trên cơ sở phân tích, dự báo kỹ, sát diễn biến tình hình. Từ đó, có sự phản ứng chính sách nhanh nhạy, kịp thời, đưa ra những kịch bản, giải pháp linh hoạt, mềm dẻo, khả thi trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội.
"Để rồi trong hoàn cảnh "khó khăn nhiều hơn cơ hội và thuận lợi", năm 2023, Việt Nam đã duy trì được đà phục hồi và tăng trưởng mà theo nhận định của Chính phủ đó là sự phát triển theo xu hướng "phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước", TS. Trần Hồng Nguyên nói.
Điều đáng mừng nhất là với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự chủ động vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực của toàn xã hội, Việt Nam đã tận dụng được tối đa các cơ hội và lợi thế cho phát triển; hóa giải, ứng phó và xử lý hiệu quả nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Trong khó khăn, Việt Nam đã cơ bản giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô; tăng trưởng được thúc đẩy trên nền tảng lạm pháp được kiểm soát tốt; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; các giải pháp về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả;...
TS. Trần Hồng Nguyên đánh giá, Chính phủ đã tập trung thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ giải ngân, thi công các công trình hạ tầng kinh tế-xã hội chiến lược, nhất là các công trình giao thông trọng điểm quốc gia... Điều này có ý nghĩa rất lớn, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng còn góp phần quan trọng trong phát huy, lan tỏa các nguồn lực của đất nước cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID - 19.
Theo dự báo, thời gian tới, với bối cảnh và tình hình sẽ tiếp tục có những khó khăn, thách thức, diễn biến phức tạp, khó lường và những khó khăn, thách thức vẫn được dự báo là nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi. Vì vậy, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt chú trọng công tác nắm tình hình, tăng cường năng lực phân tích, dự báo để có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả... Từ đó chuẩn bị kỹ các phương án, kịch bản, giải pháp ứng phó dứt khoát, kịp thời, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống trước các diễn biến tình hình ở cả bên trong và bên ngoài.
"Mục tiêu lớn nhất, bao trùm nhất là phải giữ vững được sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu. Trên thực tế, mục tiêu này thời gian qua chúng ta đã giữ vững. Và trên nền tảng đó, cần phải triển khai đồng bộ hơn nữa các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng; tăng tốc hơn nữa đà phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới", TS. Trần Hồng Nguyên nhấn mạnh.
Trong thúc đẩy phát triển kinh tế, cần đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; tập trung ưu tiên tháo gỡ các rào cản, vướng mắc; giảm chi phí và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Có những giải pháp hiệu quả, tạo cú hích mạnh mẽ hơn nữa vào các động lực tăng trưởng. Trong đó, về đầu tư, cần có các giải pháp đột phá, tạo mọi thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội, nhất là đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài. Về xuất khẩu, cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu đối với các nhóm hàng hóa chủ lực của Việt Nam ở cả thị trường truyền thống và thị trường mới; đi liền với đó là thúc đẩy phát triển mạnh thị trường trong nước (với hơn 100 triệu dân) đang có tiềm năng rất lớn.
Cùng với đó, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo để trở thành động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Phát huy tốt vai trò của nông nghiệp với vị trí như "bệ đỡ" của nền kinh tế trong cả thời gian dài vừa qua.
Khẳng định những kết quả đạt được về kinh tế-xã hội thời gian qua là cả một sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đều chuyển động, nỗ lực để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chung, đại biểu Trần Hồng Nguyên cho rằng, yếu tố con người trong thực thi công vụ, nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quyết định. Vì vậy, cần tiếp tục quan tâm siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, phải có những giải pháp hiệu quả để bảo vệ, phát huy tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của cán bộ, đảng viên; loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và xử lý nghiêm trường hợp né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không dám làm của đội ngũ cán bộ, công chức./.
(thực hiện)