Thúc đẩy hợp tác nông nghiệp Canada-Việt Nam
Canada đã thông qua "Dự án hỗ trợ các cộng đồng ven biển thích ứng với khí hậu thông minh" trị giá 20 triệu USD, được thực hiện qua UNDP và đối tác trực tiếp là Bộ NN&PTNT Việt Nam, cùng một số địa phương.
Ngày 14/9, Bộ trưởng Lê Minh Hoan có buổi tiếp và làm việc với Đại sứ Canada tại Việt Nam Shawn Steil.
Tại buổi tiếp, Bộ trường Lê Minh Hoan nhìn nhận, nền nông nghiệp của hai quốc gia không có cạnh tranh lẫn nhau mà bổ sung cho nhau. Canada có nhiều thế mạnh về nhiều lĩnh vực và Việt Nam cũng là quốc gia có xuất khẩu nông sản trong top đầu thế giới. Với mong muốn giao thương nông sản giữa hai nước, gồm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản mà Việt Nam nhập khẩu từ Canada cũng đã giúp cho ngành chăn nuôi và thủy sản của Việt Nam phát triển, Việt Nam mong rằng Đại sứ sẽ quan tâm để hai nước thúc đẩy nâng kim ngạch xuất khẩu hai chiều hơn nữa trong thời gian tới.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam đang thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững và hướng tới nền nông nghiệp chất lượng cao, tuần hoàn, phát thải thấp, đặc biệt trong ngành hàng lúa gạo và sẽ dần mở rộng sang các ngành hàng khác theo xu hướng phát triển nền kinh tế tăng trưởng xanh cũng như cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại COP26 sẽ trung hòa phát thải carbon vào năm 2050.
Cuối tháng 12/2023, Fetival lúa gạo quốc tế sẽ diễn ra tại Việt Nam, qua đó Việt Nam muốn đưa ra thống điệp với thế giới rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho người dân trong nước, mà còn sẵn sàng cung ứng lương thực thực phẩm ra thế giới trong bối cảnh một số quốc gia rơi vào khủng hoảng do một số biến động gần đây.
Trong quá trình chuyển đổi đó, với xuất phát điểm chậm nên Việt Nam rất cần những nguồn lực, tư vấn kỹ thuật từ tổ chức quốc tế, các quốc gia phát triển đi trước. Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn Canada với sự quan tâm của Đại sứ có thể có những chương trình hỗ trợ Việt Nam trong chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, trong xu thế công nghệ ngày nay, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực mà Việt Nam mới bắt đầu, Bộ trưởng mong muốn Canada với kinh nghiệm cũng như nguồn lực có thể hỗ trợ thêm cho Việt Nam về kỹ thuật để Việt Nam có thể đẩy nhanh được chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là tại khu vực ĐBSCL – một trung tâm sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam, cũng như là nơi xuất khẩu rất nhiều lúa gạo ra thế giới.
Đại sứ Shawn Steil nhìn nhận, với Hiệp định CPTPP, Canada cũng phấn khởi ghi nhẩn rằng quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian vừa qua đã có những bước phát triển mới, trong đó phải kể đến kim ngạch xuất khẩu của Canada sang Việt Nam đã đạt khoảng 400 triệu USD và Việt Nam sang Canada đạt khoảng 900 triệu USD.
Đại sứ bày tỏ vui mừng khi thông báo gần đây Canada đã thông qua một dự án mới trị giá 20 triệu USD với tên gọi "Dự án hỗ trợ các cộng đồng ven biển thích ứng với khí hậu thông minh" được thực hiện thông qua UNDP và đối tác trực tiếp là Bộ NN&PTNT, cùng một số địa phương. Ông hy vọng dự án trên sẽ sớm được triển khai.
Hiện tại, phía Canada cũng đang thực hiện "Dự án an toàn thực phẩm vì sự phát triển (SAFEGRO)" với Bộ NN&PTNT. Mục tiêu của dự án không chỉ đảm bảo cho an toàn thực phẩm của chính người tiêu dùng Việt Nam, mà còn hỗ trợ đảm bảo sản phẩm nông sản của Việt Nam đạt được chất lượng cao và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đại sứ mong muốn dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ và đạt được mục tiêu đề ra.