Vĩ mô

Thực thi ESG: ‘Nếu người lãnh đạo làm thật, họ sẽ giàu nhân, giàu nghĩa, giàu tình’

Khúc Văn 19/11/2024 9:15

Với vấn đề thực hiện ESG trong doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhấn mạnh ESG là bài toán mà doanh nghiệp chắc chắn phải làm và phải làm thật.

Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện ESG một cách dễ dàng

Trong bối cảnh phát triển bền vững trở thành xu thế tất yếu của các quốc gia và xã hội, chiến lược phát triển xanh gắn với tiêu chí ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm và bàn luận rộng rãi.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Trần Thị Thu Trang, Tổng giám đốc HanelPT nhấn mạnh, ESG là bài toán mà doanh nghiệp chắc chắn phải làm và phải làm thật.

“Nếu không làm thật, doanh nghiệp sẽ biến người tài thành người tật, lộ bản chất phông bạt để làm báo cáo. Nhưng nếu người lãnh đạo làm thật, triển khai thật thì họ sẽ giàu nhân, giàu nghĩa, giàu tình. Sự tín nhiệm đó sẽ giúp doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn và phát triển bền vững”, bà Trang nhấn mạnh.

Thực thi ESG: ‘Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện một cách dễ dàng’
Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện ESG một cách dễ dàng.

Đồng thời, theo bà Trang, ESG cần xuất phát từ yếu tố quản trị mà ở đó, văn hóa doanh nghiệp là tương lai của quản trị.

Tuy nhiên, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt may Thêu đan TP. HCM cho rằng, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện ESG dễ dàng. Bên cạnh bài toán về vốn đầu tư, doanh nghiệp còn đối mặt với thách thức về nguồn nhân lực. Điều này không chỉ đòi hỏi khả năng tuyển dụng những nhân sự sáng tạo, có tư duy logic và chuyên môn phù hợp với định hướng phát triển mà còn là bài toán giữ chân nhân tài trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.

“Chúng tôi hiểu rằng quản lý nhân sự là yếu tố cốt lõi để thúc đẩy ESG. Trong lĩnh vực dệt may, nơi lực lượng lao động đông đảo và đa thế hệ, mức lương không còn là yếu tố hàng đầu để giữ chân nhân tài. Người lao động ngày càng quan tâm đến các giá trị mà họ nhận được, bao gồm sự công bằng, minh bạch và tính linh hoạt trong công việc”, ông Việt cho hay.

Theo các chuyên gia, trên thực tế, các doanh nghiệp nói chung đang phải đối mặt với một số thách thức trong việc triển khai và công bố thông tin ESG vì một số lý do như chưa xác định yếu tố ESG trọng yếu của doanh nghiệp, chưa đảm bảo được chất lượng thông tin công bố chính xác và đáng tin cậy, có thể so sánh được; còn lúng túng trong việc đáp ứng công bố thông tin về phát triển bền vững theo các khuôn khổ và tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế còn gặp phải các vấn đề về đảm bảo kiến thức, năng lực, bố trí thời gian, kinh phí phục vụ việc triển khai và công bố thông tin ESG.

>>Những tác động tích cực khi áp thuế VAT với mặt hàng phân bón

Nângcao nhận thức về ESG

Đánh giá cao vai trò của tiêu chí ESG trong các hoạt động kinh doanh hướng tới phát triển bền vững, tuy nhiên, ông Rajeev Peshawaria, Giám đốc điều hành Stewardship Asia Centre cũng thẳng thắn cho rằng, ESG là một khởi đầu quan trọng, nhưng không đủ để giải quyết các vấn đề sâu sắc và hệ thống mà chúng ta đang đối mặt.

Thực thi ESG: ‘Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện một cách dễ dàng’
Nâng cao nhận thức về ESG.

Theo vị chuyên gia này, ESG chỉ có thể đáp ứng phần nào nhu cầu về sự bền vững vì nó quá phụ thuộc vào các cơ chế quản trị như quy định và các phần thưởng tài chính để thay đổi hành vi của các tổ chức.

“Nhiều doanh nghiệp hiện nay coi việc tuân thủ ESG như một gánh nặng chi phí và dễ rơi vào tình trạng tẩy xanh, làm giả báo cáo xanh, để đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng. Cần phải thay đổi động lực bên trong của các tổ chức, tạo ra cam kết mạnh mẽ với các mục tiêu xã hội và môi trường”, ông Rajeev Peshawaria cho biết.

Ông Nguyễn Thế Mạnh, Giám đốc Dịch vụ đảm bảo, Deloitte Việt Nam cũng nêu thực trạng, không phải doanh nghiệp nào cũng có những cam kết mạnh mẽ, rõ ràng, minh bạch trên lộ trình triển khai mục tiêu này. Đặc biệt, một số doanh nghiệp triển khai ESG chỉ vì theo phong trào, một số khác tiếp cận ESG một cách bị động vì có những áp lực cụ thể từ khách hàng hoặc ngân hàng, cổ đông.

Do đó, để các doanh nghiệp có thể cân bằng lợi ích và trách nhiệm của mình, Giám đốc điều hành Stewardship Asia Centre nhấn mạnh, chúng ta cần giải quyết vấn đề bằng cách tìm ra giải pháp sáng tạo có thể mang lại lợi nhuận, hoặc ít nhất là bền vững về tài chính cho cả môi trường và xã hội.

“Những vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, bất bình đẳng thu nhập và sự dễ bị tổn thương trong không gian mạng là cơ hội cho các doanh nghiệp và lãnh đạo xã hội”, vị chuyên gia này nói.

Ngoài ra, ông Rajeev Peshawaria cũng đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khi đã nhận thức được tầm quan trọng của ESG, đặc biệt khi các nhà đầu tư quốc tế yêu cầu minh bạch và tính bền vững cao hơn. Song, việc thực hiện ESG rộng rãi cần phải nâng cao nhận thức và hỗ trợ từ các quy định và chương trình giáo dục.

>>Thực hành ESG như ăn uống thực phẩm đảm bảo chất lượng, có thể tốn kém nhưng vẫn không bằng việc chữa bệnh khi dùng sản phẩm không rõ nguồn gốc

Liên doanh ‘đại bàng’ Singapore 'bắt tay' thực hiện dự án ESG đầu tiên của Việt Nam tại thành phố hơn 130 năm tuổi, tạo bước ngoặt mới cho thị trường BĐS

Đừng lấy ESG như hoạt động 'phông bạt', 'làm màu'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thuc-thi-esg-neu-nguoi-lanh-dao-lam-that-ho-se-giau-nhan-giau-nghia-giau-tinh-260712.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thực thi ESG: ‘Nếu người lãnh đạo làm thật, họ sẽ giàu nhân, giàu nghĩa, giàu tình’
    POWERED BY ONECMS & INTECH