Nửa đầu tháng 12/2022, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam về việc lấy ý kiến sửa đổi Nghị định số 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với 3 kiến nghị chính.
Tại Nghị quyết số 10/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 trực tuyến với địa phương mới được ban hành, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Theo Nghị quyết, một trong những nội dung Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính là việc cần sớm hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế trước ngày 10/2/2023; khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2023, chủ động có biện pháp theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp phù hợp trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” theo đúng quy định pháp luật để bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư.
Trước đó sau nhiều mong đợi, ngày 16/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153. Giới đầu tư kỳ vọng thị trường trái phiếu Việt Nam sẽ bước sang một giai đoạn phát triển thực chất hơn.
Tuy nhiên trên thực tế, đến nay thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn hầu như đóng băng.
Theo các chuyên gia, Nghị định 65 là giải pháp căn cơ giúp thị trường phát triển bền vững trong dài hạn, còn ở thời điểm hiện tại vẫn cần có giải pháp cấp bách để vực dậy thị trường, tránh xảy ra nguy cơ bất ổn đang hiện hữu.
Đến nửa đầu tháng 12/2022, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam về việc lấy ý kiến sửa đổi Nghị định số 65 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với 3 kiến nghị chính gồm:
- Giãn thời gian thực hiện trong vòng 01 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoản chuyên nghiệp tại Nghị định số 65;
- Giãn thời gian thực hiện trong vòng 01 năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và quy định giảm thời gian phân phối trái phiểu tại Nghị định số 65;
- Cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây được kéo dài kỳ hạn của trái phiếu.
Nếu các đề xuất này được thông qua, nhiều doanh nghiệp địa ốc trên thị trường sẽ có hy vọng được "cứu".
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn gần như đóng băng trong đó theo thống kê từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), đến ngày 31/1/2023, chưa có đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp nào trong năm 2023. Điều này hoàn toàn trái ngược với cùng kỳ năm 2022 khi có 7 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và 16 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với tổng giá trị phát hành lên tới 29.280 tỷ đồng.
Các đợt phát hành được công bố trong tháng 1/2023 hầu hết đều được phát hành vào tháng 12/2022. Trong các đợt phát hành này, nhóm ngân hàng chiếm đa số với 3.269,5 tỷ phát hành trái phiếu riêng lẻ và 10.637,8 tỷ phát hành ra công chúng. 3 đợt phát hành còn lại đến từ nhóm các công ty chứng khoán và bất động sản (chiếm khoảng 3%).
Theo VBMA, cả năm 2023 sẽ có khoảng 285.000 tỷ đồng trái phiếu tới kỳ hạn đáo hạn. Riêng tháng 1/2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là hơn 17.000 tỷ (tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản và xây dựng). Các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại hơn 8.000 tỷ đồng trái phiếu trong tháng đầu năm - tăng 56% so với cùng kỳ năm 2022.
Dự kiến trong tháng 2/2023, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là hơn 5.200 tỷ đồng trong đó toàn bộ là trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Chứng khoán đi ngang, nhóm quỹ ETF bị rút ròng hơn 34.000 tỷ đồng
Thị trường trái phiếu thứ cấp khởi sắc: Lợi suất tăng, khối ngoại trở lại