Cổ đông FPT mất 30.000 tỷ kể từ khi 'cá mập' ngoại Pyn Elite cảnh báo về bong bóng công nghệ
Nếu tính từ vùng đỉnh được thiết lập đầu năm 2025, mức giảm của FPT đã lên đến 30%, kéo theo vốn hóa 'bốc hơi' khoảng 60.000 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục diễn biến kém tích cực trong phiên giao dịch ngày 4/4, sau khi Mỹ chính thức công bố mức thuế nhập khẩu lên tới 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam. Mở cửa phiên sáng, VN-Index nhanh chóng đánh mất mốc 1.200 điểm, rơi sâu về vùng 1.170 điểm. Sắc đỏ bao trùm toàn thị trường, hàng chục mã giảm sàn, hàng trăm mã lao dốc.
Trong làn sóng bán tháo, cổ phiếu FPT (Tập đoàn FPT) cũng không tránh khỏi áp lực. Có thời điểm, FPT giảm sàn về mức 105.600 đồng/cổ phiếu, đánh dấu phiên giảm sàn thứ hai liên tiếp, kéo vốn hóa thị trường chỉ còn hơn 150.000 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân chính khiến cổ phiếu FPT giảm sâu là động thái rút vốn mạnh mẽ từ khối ngoại. Trong phiên 3/4, khối ngoại bán ròng FPT với giá trị lên tới 338 tỷ đồng, đến đầu phiên sáng 4/4, tiếp tục bán thêm hơn 400 tỷ đồng.
>>FPT sẽ sản xuất phần mềm lái xe tự động cho hãng ô tô Subaru
Động thái bán ra diễn ra ngay sau khi PYN Elite Fund – một trong những quỹ đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với quy mô khoảng 23.000 tỷ đồng công bố đã chốt lời cổ phiếu FPT và CMG.
Trong thư gửi nhà đầu tư ngày 25/3, ông Petri Deryng, người đứng đầu PYN, cho biết: “Chúng tôi quyết định chốt lời cổ phiếu công nghệ thông tin FPT và CMG để giảm thiểu rủi ro, do các khoản đầu tư này đã có mức tăng vượt xa lợi nhuận thực tế của các công ty trong năm 2024".
PYN cũng cảnh báo rủi ro bong bóng, liên hệ với “bài học dotcom năm 2000”, thời điểm giới đầu tư không thể phân biệt giữa điều chỉnh ngắn hạn và khởi đầu của một đợt sụp đổ. Ông Petri cho rằng, trong bối cảnh cổ phiếu công nghệ tăng mạnh trên toàn cầu, “nhà đầu tư giàu kinh nghiệm sẽ nhận ra giá trị đã vượt xa thực tế và chủ động chốt lời để kiểm soát rủi ro”.
Chỉ chưa đầy 10 ngày sau khi PYN thông báo chốt lời, cổ phiếu FPT đã giảm khoảng 15%, tương đương 30.000 tỷ đồng vốn hóa bị thổi bay. Nếu tính từ vùng đỉnh đầu năm 2025, mức giảm đã lên đến 30%, vốn hóa FPT đã mất tổng cộng gần 60.000 tỷ đồng.
Bất chấp áp lực điều chỉnh mạnh trên thị trường, FPT vẫn giữ kế hoạch kinh doanh tham vọng. Năm 2024, công ty ghi nhận kết quả cao kỷ lục với doanh thu 62.849 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 9.427 tỷ đồng. Sang năm 2025, FPT đặt kế hoạch doanh thu 75.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 13.395 tỷ đồng.
Căn cứ kết quả này, FPT cũng đề xuất chia cổ tức tiền mặt 20% (2.000 đồng/cổ phiếu), tương ứng hơn 2.942 tỷ đồng – trong đó 10% đã được tạm ứng vào tháng 12/2024, phần còn lại sẽ chi trả trong quý II/2025.
Ngoài ra, FPT cũng dự kiến phát hành gần 222,2 triệu cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 20:3, tương đương 15%) từ nguồn vốn chủ sở hữu, tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 2.222 tỷ đồng. Việc phát hành sẽ được thực hiện sau Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 và không muộn hơn quý III năm nay.
FPT sẽ sản xuất phần mềm lái xe tự động cho hãng ô tô Subaru
Ra mắt Hiệp hội Dữ liệu Quốc gia, loạt lãnh đạo của Masan, Sun Group, FPT… giữ trọng trách lớn