Bất chấp dịch COVID-19, kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc năm 20221 đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so với cùng kỳ.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc năm 2021 đạt 165,8 tỷ USD, tăng 24,6% so năm trước.
Với kết quả này, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam.
Ngược lại, Việt Nam tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới sau các nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Australia.
Nhiều nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, lớn nhất là điện thoại và linh kiện. Đây là nhóm hàng xuất khẩu “chục tỷ đô” đầu tiên của Việt Nam ở thị trường Trung Quốc khi mới tính con số xuất khẩu trong 10 tháng năm 2021.
Đáng chú ý, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nhiều hàng nông sản của Việt Nam như: thủy sản; rau quả; hạt điều; cà phê; chè; gạo; sắn và sản phẩm sắn; cao su, sản phẩm từ cao su… Trong đó, rau quả và cao su là 2 nhóm hàng đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD.
Hiện nay, chính sách “Zero COVID” đã và đang ảnh hưởng đến thương mại hai chiều giữa hai quốc gia, khiến việc thông quan qua các cửa khẩu gặp khó khăn.
Mới đây, Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Trung Quốc đã tổ chức Kỳ họp lần thứ nhất Nhóm Công tác thuận lợi hóa thương mại Việt – Trung nhằm tập trung trao đổi các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại biên giới, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hợp tác thương mại hiện nay và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại song phương thời gian tới.
Bên cạnh đó, mới đây, Bộ Công Thương đã thành lập Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hoá tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng Ban. Ban chỉ đạo đã có chuyến công tác tại tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu hàng hoá qua cửa khẩu phía Bắc vào ngày 23/1. Sau đó 2 ngày, vào 25/1, Trung Quốc đã mở cửa hoạt động trở lại cho cửa khẩu Tân Thanh – Lạng Sơn.
Để phát triển xuất khẩu bền vững sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt với mặt hàng nông sản – mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang quốc gia này, Bộ Công Thương khuyến cáo, các địa phương cần phải tổ chức lại sản xuất để đảm bảo nguồn hàng có chất lượng, giá trị gia tăng cao, đặc biệt là công tác truy xuất nguồn gốc, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch. Phải chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch để hạn chế tối đa rủi ro từ thị trường đến hoạt động xuất khẩu.