Thái Lan tuyên bố sẵn sàng gỡ bỏ thuế với hầu hết hàng Mỹ nhằm tránh 'đòn giáng' 36% từ ông Trump
Để củng cố vị thế trong đàm phán, Thái Lan đã đẩy mạnh kế hoạch nhập khẩu thêm các sản phẩm từ Mỹ, đặc biệt là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và máy bay của Boeing, như một phần trong nỗ lực thu hẹp thâm hụt thương mại.
Thái Lan vừa đưa ra một đề xuất thương mại mới nhằm tránh việc Mỹ áp dụng mức thuế nhập khẩu lên tới 36%. Theo đó, quốc gia Đông Nam Á này đặt mục tiêu tăng kim ngạch thương mại song phương với Mỹ, đồng thời giảm 70% thặng dư thương mại hiện ở mức 46 tỷ USD trong vòng 5 năm, hướng tới cân bằng thương mại trong 7 đến 8 năm tới, theo Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Pichai Chunhavajira.
Washington đã đe dọa sẽ áp mức thuế 36% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trước ngày 9/7, thời điểm kết thúc thời hạn tạm hoãn 90 ngày.
Ông Pichai cho biết, Thái Lan đang nỗ lực đàm phán để duy trì mức thuế ưu đãi 10%, đồng thời khẳng định rằng ngay cả mức thuế trong khoảng 10% đến 20% cũng vẫn có thể chấp nhận được. Dự kiến, đề xuất thương mại sửa đổi sẽ được Thái Lan gửi đến Mỹ trước thời hạn ngày 9/7.

Theo nội dung đề xuất, nếu được phía Mỹ chấp thuận, Thái Lan sẽ ngay lập tức dỡ bỏ thuế nhập khẩu hoặc các rào cản phi thuế quan đối với phần lớn hàng hóa Mỹ, đồng thời từng bước gỡ bỏ các hạn chế còn lại đối với một số mặt hàng nhất định.
Động thái này được đưa ra sau cuộc gặp giữa ông Pichai và các quan chức Mỹ, bao gồm đại diện thương mại Jamieson Greer và Thứ trưởng Tài chính Michael Faulkender, vào ngày thứ Năm tuần trước – cuộc đối thoại cấp Bộ trưởng đầu tiên giữa hai nước về vấn đề thuế quan.
Ông Pichai nhấn mạnh rằng việc tăng cường tiếp cận với hàng hóa Mỹ sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực tới nông dân hay các nhà sản xuất trong nước của Thái Lan, vì những mặt hàng này hiện chưa được sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu nội địa.
“Chúng tôi đã đưa ra một đề xuất mang tính đôi bên cùng có lợi. Mỹ có thể gia tăng xuất khẩu sang Thái Lan, trong khi chúng tôi có cơ hội cải thiện quy trình và giảm bớt các thủ tục hành chính rườm rà”, ông nói.
Thái Lan hiện là một trong số nhiều quốc gia đang nỗ lực đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ để tránh phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu cao. Hiện nước này đang nhắm tới mục tiêu đạt mức thuế 10% từ phía Mỹ – đây được coi là kịch bản lý tưởng nhất. Tuy nhiên, theo ông Pichai, ngay cả trong trường hợp mức thuế dao động từ 10% đến 20%, Thái Lan vẫn có thể thích ứng. “Kịch bản xấu nhất là chúng tôi phải chấp nhận một thỏa thuận tệ hơn so với các nước láng giềng trong khu vực”, ông cảnh báo.
Để củng cố vị thế trong đàm phán, Thái Lan đã đẩy mạnh kế hoạch nhập khẩu thêm các sản phẩm từ Mỹ, đặc biệt là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và máy bay của Boeing, như một phần trong nỗ lực thu hẹp thâm hụt thương mại.
Các công ty hóa chất Thái Lan như SCG Chemicals Plc và PTT Global Chemical Plc đã cam kết sẽ tăng nhập khẩu ethanol từ Mỹ. Trong khi đó, tập đoàn năng lượng quốc doanh PTT Plc thông báo có thể mua tới 2 triệu tấn LNG mỗi năm từ một dự án khí đốt tại Alaska trong vòng 20 năm. Ngoài ra, hãng hàng không quốc gia Thai Airways cũng đang xem xét mua tới 80 máy bay Boeing trong vài năm tới.
Việc giảm được mức thuế nhập khẩu từ Mỹ được xem là yếu tố sống còn để bảo vệ nền kinh tế Thái Lan vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu – đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với gánh nặng nợ hộ gia đình cao nhất khu vực Đông Nam Á và tiêu dùng nội địa trì trệ.
Một thỏa thuận thương mại thuận lợi cũng có thể góp phần khôi phục niềm tin của giới đầu tư, trong bối cảnh tình hình chính trị trong nước đang có nhiều bất ổn sau khi Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra bị đình chỉ chức vụ.
Thống kê cho thấy, xuất khẩu của Thái Lan đã tăng khoảng 15% trong 5 tháng đầu năm nay, chủ yếu nhờ vào các đơn hàng được đẩy mạnh trước khi thời hạn tạm hoãn áp thuế 90 ngày kết thúc.
Tham khảo Nation Thailand
>> Nóng: Mỹ dự kiến siết xuất khẩu chip AI sang Malaysia và Thái Lan, chuyện gì đã xảy ra?